top of page

Hướng dẫn đầy đủ nhất về đầu tư giá trị tại thị trường Việt Nam (2021)

Updated: Jul 21, 2023

Đây là bộ hướng dẫn đầy đủ nhất về chiến lược đầu tư giá trị mà bạn có thể tìm thấy ở Việt Nam. Điều quan trọng là gì?

Chiến lược này đã được kiểm chứng thành công trên thị trường Việt Nam.

Vì thế nếu bạn muốn kiếm tiền từ chứng khoán hay chỉ đơn giản là thử nghiệm một chiến lược đầu tư hiệu quả… chắc chắn bạn sẽ thích bài viết này.

Dưới đây là những bước chính bạn cần thực hiện khi đầu tư giá trị

  • Bước #1: Phân biệt đầu tư và đầu cơ

  • Bước #2: Phân biệt giá và giá trị

  • Bước #3: Phân biệt giá trị nội tại, giá trị sổ sách và giá trị thị trường

  • Bước #4: Hiểu rõ bản chất của đầu tư giá trị

  • Bước #5: Tìm kiếm cổ phiếu đầu tư giá trị

  • Bước #6: Tìm hiểu về doanh nghiệp

  • Bước #7: Định giá cổ phiếu

Tại sao lại là đầu tư giá trị?

Đây là chiến lược mà Warren Buffett đã áp dụng thành công hơn 50 năm qua với tỷ suất sinh lợi kép 20.9%/năm… vượt trội so với mức 9.9%/năm của chỉ số S&P 500.

Vấn đề là mấy ai làm được như Warren Buffett và liệu chiến lược này có phù hợp với thị trường Việt Nam?

CÓ!

Với hơn 10 năm áp dụng đầu tư giá trị ở thị trường Việt Nam tôi có thể khẳng định với bạn như vậy.

Dưới đây là kết quả đầu tư mà tôi đã áp dụng…

…mức tăng +371% gấp hơn 4 lần mức tăng của VN-Index.

Điều này có ý nghĩa gì?

Mặc dù không bao giờ so sánh được với Buffett nhưng bạn có thể chắc chắn rằng…

Bạn hoàn toàn có thể áp dụng thành công chiến lược đầu tư giá trị vào thị trường Việt Nam

Bạn không cần phải là những chuyên gia trong lĩnh vực tài chính. Bạn chỉ cần biết những cách thức mà tôi hướng dẫn trong bài viết này. Bạn càng hiểu và luyện tập càng nhiều, bạn sẽ càng thành công trong đầu tư.

 

Đầu tư giá trị khác với đầu cơ như thế nào?

Những người không có thiện cảm với đầu tư cổ phiếu thường nói rằng: “Chứng khoán là bài bạc. Thị trường chứng khoán chính là 1 sòng bạc”.

SAI HOÀN TOÀN!

Đầu cơ – đánh bạc

Khi bạn vào 1 sòng bạc ở LasVegas và chơi 1 game ở đó, bạn sẽ không bao giờ kiểm soát được tỷ lệ thắng thua (win-loss) của mình trong 1 khoảng thời gian dài. Hay nói đúng hơn là bạn sẽ không bao giờ chiến thắng được ở LasVegas. Những sòng bài được tạo ra không phải để bạn kiếm tiền.

Tại sao?

Tỷ lệ thắng của bạn rất thấp, không tương xứng với những rủi ro mà bạn phải chấp nhận.

Tuy nhiên…

Trong thị trường chứng khoán, hoạt động đầu cơ là cần thiết và là một phần không thể thiếu. Hoạt động đầu cơ giúp cho cổ phiếu có thanh khoản, có người mua và người bán.

Những nhà tạo lập thị trường (Market Makers) hay đội lái là những người dẫn dắt hoạt động này. Đó là công ty chứng khoán, quỹ đầu tư hay những nhóm đầu tư có số vốn lớn… tất cả đều có mối quan hệ với doanh nghiệp.

Chỉ có điều… bạn không thể chiến thắng trong cuộc chơi của họ!


Đầu tư

Hoạt động đầu tư là khi bạn bỏ tiền với mục đích thu lại trong tương lai dựa trên:

  • Đặc tính của TÀI SẢN và

  • Giá trị của TÀI SẢN

Tài sản ở đây có thể là cổ phiếu, trái phiếu, vàng, hàng hóa hay bất động sản. Trong trường hợp này là cổ phiếu.

Vậy muốn đầu tư kiếm tiền thì bạn phải làm gì?

Hãy quan tâm đến giá trị tài sản (Value) thay vì giá (Price) của nó.

Cách thực sự đơn giản để phân biệt đầu tư với đầu cơ là kiểm tra xem bạn có quan tâm ngày mai thị trường có mở cửa hay không? Khi tôi mua một cổ phiếu, tôi sẽ không bận tâm đến họ có đóng cửa thị trường chứng khoán trong một vài năm nữa hay không. Tôi quan tâm đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Liệu doanh nghiệp ấy có mang lại lợi suất như mình kỳ vọng trong tương lai hay không. —– Warren Buffett —–

Tài sản mà Buffett thực sự nhắc đến chính là doanh nghiệp.

Khi đầu tư cổ phiếu, bạn cần đặt sự tập trung chính của mình vào doanh nghiệp. Xác định chất lượng doanh nghiệp, đánh giá lợi thế cạnh tranh, ban lãnh đạo. Xác định giá trị thực sự của doanh nghiệp.

Kết luận?

Nếu quan tâm đến thị trường, tôi là người đầu cơ vì tôi sẽ quan tâm xem giá cổ phiếu lên hay xuống trong phiên ngày mai. Mà thực tế thì bạn không thể biết chính xác giá có tăng hay không. —– Warren Buffett —–

Đầu cơ là khi bạn tập trung nhiều hơn vào diễn biến giá, chỉ chú ý đến biến động giá hàng ngày. Hay chỉ chú ý vào những yếu tố ngắn hạn như kết quả kinh doanh quý, việc tăng/giảm tỷ lệ chi trả cổ tức mà… không quan tâm đến tổng thể toàn bộ tài sản hay khả năng sinh lợi dài hạn của công ty.

Market Maker hay đội lái hoàn toàn có thể tác động đến các yếu tố ngắn hạn nói trên nhưng không thể tác động đến giá trị thực của doanh nghiệp.

Nếu bạn thực sự đầu tư (không đầu cơ) thì bạn sẽ dễ dàng đánh bại được họ và kiếm tiền chính từ những sai lệch từ giá thị trường so với giá trị thực của doanh nghiệp.

 

Phân biệt Giá và Giá trị?

Giá của một loại hàng hóa (cổ phiếu) luôn được quyết định bởi quy luật cung – cầu trên thị trường.

Nếu lượng cầu vượt quá lượng cung trong ngắn hạn thì giá của tài sản đó sẽ tăng lên và đôi khi vượt quá giá trị của tài sản trong dài hạn. Thậm chí, nếu có quá nhiều hoạt động đầu cơ, giá tài sản có thể tăng “phi mã” dẫn đến tình trạng bong bóng.

Ngược lại, khi người mua giảm dần hay ngừng mua, giá tài sản lại giảm mạnh. Thông thường, lại giảm thấp hơn giá trị của tài sản trong dài hạn.

Giá được quyết định nhờ “bỏ phiếu”

Giá cổ phiếu hàng ngày được quyết định bởi cung – cầu của người mua và người bán trên thị trường và…

…rất ít khi phản ánh đúng giá trị thực của cổ phiếu (hay giá trị thực của doanh nghiệp).

Theo quan điểm của Buffett, trong ngắn hạn thị trường giống như 1 cỗ máy “bỏ phiếu”. Đây là nơi mà 1 nhóm nhỏ những cổ đông “biểu quyết” về giá của cả 1 doanh nghiệp.

Ví dụ với CTCP Bia Sabeco (SAB):

Tổng số lượng cổ phiếu của tất cả cổ đông (chủ sở hữu) là 641 triệu cổ phiếu.

Trong khi đó bình quân khối lượng giao dịch trong ngắn hạn chỉ có 42.530 cổ phiếu, tương đương 0.006% số lượng cổ phiếu lưu hành.

Điều này có nghĩa là gì?

Chỉ có chưa đầy 0.01% số cổ đông “bỏ phiếu” với nhau để xác định giá giao dịch của SAB trong ngắn hạn. Và chắc chắn không thể nào phản ánh đúng giá trị của 1 doanh nghiệp đầu ngành có vốn hóa hơn 150.000 tỷ.


Giá trị doanh nghiệp là thứ bạn cần tìm kiếm

Bạn – với tư cách là nhà đầu tư – cần phải có tư duy như những chủ doanh nghiệp thực sự. Vì với việc sở hữu cổ phiếu, là cổ đông, bạn chính là chủ của doanh nghiệp.

Khi đó, bạn cần hiểu rõ về giá trị mà doanh nghiệp mình đang sở hữu.

Giá trị của doanh nghiệp thường được cấu thành từ 2 phần chính:

  • Tài sản

  • Dòng tiền, lợi nhuận trong tương lai

Bạn cần chú ý rằng tài sản ở đây không chỉ đơn giản là những thứ hữu hình như nhà xưởng, máy móc, thiết bị… mà còn bao gồm cả những tài sản vô hình như quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, nhân sự, lợi thế cạnh tranh…

 

Phân biệt giá trị nội tại, giá trị sổ sách

và giá trị thị trường?

Đây là 3 khái niệm thường được sử dụng trong đầu tư mà bạn không bao giờ được phép nhầm lẫn.

Đầu tiên là giá trị thị trường…

Giá trị thị trường là giá trị do thị trường (hay sàn giao dịch) xác định cho cổ phiếu. Thực tế, đây chính là giá của cổ phiếu được bán trên sàn giao dịch. Vì thế, giá và giá trị thị trường là như nhau.

Giá trị sổ sách (Book value) là gì?

Giá trị sổ sách là giá trị được ghi nhận theo sổ sách kế toán hay báo cáo tài chính. Giá trị sổ sách được tính bằng phần tài sản ròng còn lại sau khi trừ đi các khoản nợ phải trả (bao gồm nợ vay).

Trên thực tế, giá trị ghi sổ không phản ánh hết toàn bộ giá trị của doanh nghiệp.

Ví dụ:

Công ty A mua và sở hữu 1 lô đất ở Quận 1 với giá mua ghi sổ là 100 tỷ vào năm 2005. Trên sổ sách, giá trị quyền sử dụng đất được ghi nhận chỉ là 100 tỷ.

Trong khi đó, vào thời điểm năm 2018 giá đất ở Quận 1 đã tăng hơn 10 lần. Do đó, giá trị thực tế của lô đất hiện tại đã là hơn 1.000 tỷ. Tuy nhiên, giá trị sổ sách của công ty A không thể hiện điều này.

Giá trị nội tại

Giá trị nội tại là giá trị của toàn bộ doanh nghiệp mà tôi nhắc đến ở bước #2.

Đây là giá trị mà chúng ta cần quan tâm nhất trong đầu tư.

Giá trị nội tại phản ánh tất cả…

  • Giá trị tài sản hữu hình

  • Giá trị tài sản vô hình

  • Những lợi ích kinh tế trong tương lai như lợi nhuận, dòng tiền, cổ tức…

Nhiệm vụ của bạn là gì?

Bạn cần tìm ra những doanh nghiệp đang có bị “bỏ phiếu” sai… dẫn đến có sự chênh lệch giữa giá và giá trị nội tại. Mua một công ty tuyệt vời, chẳng hạn như Thế giới di động (MWG) có giá trị nội tại 100.000đ/cổ phiếu ở mức giá 70.000đ/cổ phiếu là 1 ví dụ…

Đó chính là đầu tư!

Điểm khác so với đầu cơ là gì?

Người đầu cơ không cần biết giá trị nội tại của MWG là 100.000đ/cổ phiếu. Họ có thể chấp nhận mua ở mức giá 110.000đ/cổ phiếu nếu thấy xu hướng đám đông vẫn còn nhiều nhu cầu… và kỳ vọng mức giá có thể đẩy lên 120.000 – 130.000đ/cổ phiếu để bán ra.

Nếu bạn chưa biết rõ giá trị nội tại của một cổ phiếu/doanh nghiệp nhưng vẫn bỏ tiền ra mua nó thì…

…100% bạn đang đầu cơ, không phải đầu tư.

Đừng nhầm lẫn!

Biên an toàn là gì?

Có một câu nói rất kinh điển của Warren Buffett về đầu tư:

Điều đầu tiên, đừng bao giờ để mất tiền. Điều thứ hai, không bao giờ quên điều thứ nhất

Vậy làm thế nào để không bị mất tiền?

Rất đơn giản! Bạn chỉ cần tìm cho mình một khoản “bảo hiểm” cho số vốn đầu tư của mình.

Warren Buffett và Benjamin Graham gọi nó là biên an toàn.

Biên an toàn là mức chênh lệch (chiết khấu) giữa giá trị nội tại của cổ phiếu so với giá thị trường. Ví dụ:

Nếu giá trị nội tại của cổ phiếu là 50.000đ còn giá thị trường là 35.000đ/cổ phiếu thì biên an toàn trong trường hợp này là 30%, tính bằng (1 – 35/50).

(Bạn có thể tham khảo Giá trị nội tại và Biên an toàn tại Nền tảng nghiên cứu cổ phiếu Simplize của GoValue)

 

BONUS: Đầu tư giá trị có phù hợp với bạn?

Chiến thắng chỉ dành cho phần nhỏ những nhà đầu tư thông minh.

Hầu hết mọi người thường nghĩ rằng đầu tư giá trị là 1 thứ gì đó cao siêu mà chỉ có những nhà đầu tư vĩ đại như Warren Buffett mới có thể làm được.

Điều này hoàn toàn sai lầm…

Thậm chí phương pháp này lại rất dễ áp dụng với những thị trường mới phát triển như Việt Nam.

Tôi tin rằng, cũng như tôi, đầu tư giá trị là chiến lược DÀNH CHO BẠN.

Bởi vì:

  • Bạn cũng muốn được tự do tài chính

  • Bạn muốn được ngủ ngon kể cả khi thị trường đang giảm

  • Bạn vẫn phải làm công việc của mình và không có nhiều thời gian theo dõi thị trường và cổ phiếu hàng ngày

  • Bạn không có nhiều kiến thức về tài chính

Tuân thủ chiến lược đầu tư giá trị sẽ giúp bạn “đứng ngoài” những biến động về giá hàng ngày. Khi đó, sự quan tâm của bạn chỉ còn về việc kinh doanh của doanh nghiệp và bạn không cần phải là 1 chuyên gia tài chính thì mới hiểu được.

Điều cuối cùng còn lại là gì?

Đó là…

Bạn có đủ kiên trì và kỷ luật để tuân thủ và xem đầu tư giá trị như 1 chiến lược kiếm tiền nghiêm túc hay không.

 

Bản chất của đầu tư giá trị

Đầu tư giá trị rất đơn giản…

Ai mà lại không muốn mua hàng với giá rẻ?

Mẹ chúng ta vẫn thích trả giá mỗi khi đi chợ.

Chúng ta vẫn thích mua hàng mỗi khi món hàng chúng ta thích giảm giá 30 – 50%, giống như Black Friday.

Đầu tư giá trị trong chứng khoán hoàn toàn tương tự như thế.

Đó là khi 1 cổ phiếu hay doanh nghiệp tuyệt vời mà bạn yêu thích được bán giảm giá sale-off 30%, thậm chí là 50%.

Do đó, đầu tư giá trị chỉ tóm gọn trong 2 bước đơn giản:

  • Bước 1: Tìm 1 doanh nghiệp tuyệt vời mà bạn yêu thích

  • Bước 2: Mua nó khi giá của nó khi giá thấp hơn giá trị thực với 1 biên an toàn đủ lớn

…nhưng không dễ dàng…

Tại sao?

Bạn sẽ phải vượt qua được tất cả những cảm xúc thông thường và tách mình ra khỏi đám đông.

Hầu hết chúng ta đều cảm thấy an toàn hơn khi những người xung quanh đồng tình và hành động giống nhau.

Đối với đầu tư chứng khoán, khi một ngành nghề tăng trưởng nhanh và hầu hết nhà đầu tư đổ xô vào mua bạn sẽ rất dễ bị tác động tâm lý và vướng vào 1 hội chứng gọi là FOMO (Fear Of Missing Out)…

…hay Hội chứng “sợ bị bỏ lại phía sau”:

“Bạn bè, đồng nghiệp đang kiếm được tiền từ cổ phiếu X còn mình thì không”

Không vượt qua được bẫy tâm lý chính là khó khăn lớn nhất mà bạn phải đối mặt khi đầu tư chứng khoán.

Thị trường sẽ luôn cám dỗ bạn, kéo bạn vượt qua ranh giới giữa đầu tư và đánh bạc mà bạn không hay biết.

Vậy bạn phải làm thế nào?

Không có cách nào khác! Bạn phải tuân thủ đúng từng bước khi đầu tư giá trị.

Cụ thể:

Tìm 1 công ty tuyệt vời và mua nó với giá sale off (tối thiểu 30%).

Những công ty tuyệt vời cũng có những giai đoạn gặp khó khăn (tin xấu) và đó chính là lúc giá cổ phiếu của nó bị sale off.

Bạn cần phải có tâm lý vững vàng và nhìn nhận doanh nghiệp với sự hiểu biết và khách quan cần thiết thì mới có thể nhìn thấy được những cơ hội đó.

 

Tìm cổ phiếu đầu tư giá trị

Hiện tại trên sàn chứng khoán Việt Nam có hơn 1200 cổ phiếu đang giao dịch.

Vậy làm thế nào để bạn chọn ra được 1 vài ý tưởng để bắt đầu tìm hiểu?

Thực tế là những công thức, bộ lọc cổ phiếu đã được những nhà đầu tư vĩ đại trên thế giới xây dựng và việc của bạn là…

…Áp dụng nó.

Ở bước đầu tiên này bạn chưa cần quan tâm về giá trị của 1 doanh nghiệp. Thay vào đó, việc của bạn là tìm ra những cổ phiếu tuyệt vời mà bạn sẽ yêu thích.

Dưới đây là một số cách đơn giản mà bạn có thể áp dụng.

Trong đó, cách thứ 3 là cách mà tôi vẫn áp dụng hàng ngày, hàng tuần.

Cách 1: Những công ty có sản phẩm mà bạn yêu thích

Con gái lớn của tôi rất thích ăn kem Celano và uống sữa đậu nành Fami. Hắn ta uống Fami mỗi buổi sáng và ăn 1 cây kem Calano mỗi buổi chiều.

Chắc hẳn bạn cũng biết 2 sản phẩm này chứ?

Hai công ty sở hữu 2 nhãn hàng này là CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS) với Fami và CTCP Kido (KDC) với Celano.

Cả 2 đều đang niêm yết trên sàn chứng khoán.

Tôi có một bệnh nghề nghiệp là…

…thích xem nhãn mác sản phẩm mỗi khi mua một món đồ mới trong siêu thị. Đơn giản chỉ là tôi muốn biết xem nhãn hàng đó được công ty nào sản xuất. Tôi thích nó, mua nó thì cũng sẽ có rất nhiều người khác như thế.

Bạn hãy thử dạo 1 vòng siêu thị hoặc nhìn quanh những con đường mà bạn đi làm.

Hãy thử ngẫm lại những sản phẩm hay nhãn hàng mà bạn yêu thích và đặt câu hỏi:

Công ty nào sản xuất ra những nhãn hàng, sản phẩm hay dịch vụ mà bạn yêu thích

Điều này sẽ giúp bạn như thế nào?

Không ai khác… chính bạn là người đã sử dụng sản phẩm dịch vụ của công ty đó. Bạn có góc nhìn đánh giá tốt nhất từ góc độ người tiêu dùng.

Nếu bạn thích 1 sản phẩm dịch vụ nào thì đó chính là dấu hiệu ban đầu cho một công ty tuyệt vời.

Easy!?

Cách 2: Đọc những tin tức… TIÊU CỰC

Nghe có vẻ ngược đời nhỉ?

Có một thực tế là…

Nếu bạn chú ý đến những tin tức tiêu cực về doanh nghiệp thì khả năng bạn tìm thấy những cơ hội đầu tư tuyệt vời sẽ cao hơn rất nhiều.

Hãy sợ hãi khi người khác tham lam và hãy tham lam khi người khác sợ hãi — Warren Buffett —

Bởi vì:

  • Media chỉ đơn giản là những công cụ truyền thông giúp MMs hay nhà cái. Bản thân những người viết những bài báo nhận định về doanh nghiệp chỉ viết theo những báo cáo, số liệu bề nổi mà họ được nhận. Họ không nhìn nhận doanh nghiệp dưới góc độ đầu tư.

  • Những tin tức tiêu cực sẽ làm giá cổ phiếu của những công ty tuyệt vời giảm rất “sâu” so với giá trị thực của nó.

  • Những tin tức tốt chỉ dành cho đám đông. Khi những tin tốt được tung ra thì MMs hay nhà cái đã gom xong “hàng” từ lâu. Và khi thông tin quá rõ ràng thì cơ hội dành cho bạn rất ít.

Bạn có còn nhớ nhiệm vụ của mình?

Đó là:

Bạn phải đứng tách ra khỏi đám đông về mặt tư duy và cảm xúc của mình.

Cách 3: Sử dụng những bộ lọc cổ phiếu được xây dựng sẵn

Quan điểm của tôi và tôi cũng thường nói với đội nhóm của mình:

Nếu bạn muốn học hỏi 1 điều gì đó thì hãy học hỏi từ những người giỏi nhất

Trong gần 10 năm qua, tôi đã thử nghiệm hơn 60 chiến lược đầu tư và không phải chiến lược nào cũng phù hợp ở thị trường Việt Nam.

Nếu bạn vẫn đang mông lung và chưa xây dựng được cho mình 1 bộ lọc cổ phiếu phù hợp thì tôi khuyên bạn nên lựa chọn 1 (hoặc kết hợp) trong số những bộ lọc cổ phiếu dưới đây:

  • Bộ lọc theo triết lý của Warren Buffett

  • Bộ lọc theo triết lý của Benjamin Graham

  • Bộ lọc theo triết lý của Philip Fisher

  • Bộ lọc theo triết lý của Peter Lynch

  • Bộ lọc theo triết lý của Piotroski

  • Bộ lọc theo GoValue

Bộ lọc theo GoValue về bản chất là 1 bảng xếp hạng. Bảng xếp hạng này giúp bạn có 1 góc nhìn toàn cảnh về chất lượng và định giá của tất cả các cổ phiếu trên thị trường Việt Nam.

Các tiêu chí xếp hạng được tổng hợp từ triết lý của cả 5 nhà đầu tư vĩ đại nói trên.

Hãy tham khảo bài viết của tôi về 6 bộ lọc cổ phiếu nói trên để hiểu được chi tiết từng chỉ tiêu.

CHÚ Ý!

Khác với những bộ lọc cổ phiếu theo phân tích kỹ thuật, chỉ cần các dữ liệu giá và khối lượng giao dịch (dữ liệu này được cung cấp miễn phí).

Đối với những bộ lọc nói trên, bạn cần phải có 1 cơ sở dữ liệu tài chính của toàn bộ các doanh nghiệp trên thị trường và trong khu vực các nước châu Á.

 

Tìm hiểu về doanh nghiệp

Hầu hết nhà đầu tư cá nhân đều ra quyết định mua bán cổ phiếu quá nhanh và vội vàng.

Dựa nhiều vào cảm xúc là điều tối kị trong đầu tư.

Thế nhưng chúng ta vẫn thường phản ứng 1 cách thái quá đối với những tin tức trên media… Dù đó là tin tức tiêu cực hay tích cực.

Làm thế nào để kiểm soát được cảm xúc trong đầu tư?

Ở GoValue, tôi thường sử dụng 1 danh sách (checklist) những tiêu chí cần đánh giá trước khi mua hoặc bán cổ phiếu.

Danh sách này giúp cho tôi:

  • Xây dựng nguyên tắc rất rõ ràng trong việc mua/bán

  • Kiên nhẫn và sáng suốt trong từng quyết định

  • Tự tin và giữ vững niềm tin trong những trường hợp đi ngược lại đám đông

Bạn hãy suy ngẫm lại xem cách thức để không thua lỗ khi đầu tư là gì?

  • Đầu tiên, bạn cần mua đúng cổ phiếu tốt ở mức giá hợp lý

  • Cuối cùng, bạn cần bán cổ phiếu ở thời điểm phù hợp

Chỉ với 2 bước đơn giản và quan trọng.

Nhưng nếu bạn vội vàng sai ở 1 trong 2 bước thì kết quả sẽ rất “tệ hại”.

Vì thế với mỗi bước này bạn cần rà soát lại tất cả các vấn đề để đảm bảo mình không mắc sai lầm như đám đông.


Những tiêu chí cần tìm hiểu về doanh nghiệp

Dưới đây là danh sách tóm tắt những tiêu chí nói trên.

Những tiêu chí này được tôi chọn lọc dựa trên triết lý của 2 nhà đầu tư vĩ đại Warren Buffett và Peter Lynch.

Nguồn thông tin mà bạn có thể sử dụng để tìm kiếm
  • Website công ty

  • Báo cáo thường niên

  • Báo cáo tài chính

  • Báo cáo nghiên cứu ngành

  • Báo cáo phân tích cổ phiếu của công ty chứng khoán

  • Tin tức công ty trên Cafef

Bản chất doanh nghiệp
  • Mô hình kinh doanh của công ty có dễ hiểu không? Bạn có dễ dàng nắm bắt được không? Sản phẩm của công ty là gì? Công ty tạo ra doanh thu như thế nào? Công ty làm marketing như thế nào?

  • Triển vọng tương lai của ngành/lĩnh vực mà công ty đang kinh doanh như thế nào? Công ty đang ở giai đoạn nào của chu kỳ kinh doanh?

  • Công ty có lợi thế cạnh tranh trong ngành như thế nào? Vòng “phòng vệ” (moat) của công ty là gì? Vòng phòng vệ này có “đủ khó” để đối thủ cạnh tranh không giành được thị phần không?

  • Công ty có hoạt động trong một lĩnh vực “không hot” không? Ngược lại, công ty có hoạt động trong 1 lĩnh vực đang “hot” không?

  • Công ty có chiếm lĩnh thị phần ở 1 phân khúc hoặc 1 khu vực nào đó không?

Khả năng sinh lợi của công ty
  • Tốc độ tăng trưởng của công ty trong 5 năm gần nhất? Trong 10 năm gần nhất?

  • Công ty sử dụng lợi nhuận chưa phân phối có hiệu quả không?

  • Lợi nhuận còn lại của cổ đông (owner earnings) có tăng trưởng ổn định trong 10 năm gần nhất không?

  • Tốc độ tăng trưởng gần đây của công ty so với tốc độ tăng trưởng dài hạn như thế nào?

  • Công ty có lợi nhuận từ những khoản thu bất thường không?

  • Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của công ty có tăng trưởng ổn định không?

  • Kết quả kinh doanh của công ty như thế nào trong những giai đoạn suy thoái trước đây?

  • Có sản phẩm, dịch vụ nào của công ty mà bạn thích không? Tỷ trọng sản phẩm đó trong doanh thu là bao nhiêu?

  • Công ty có bị phụ thuộc vào 1 vài khách hàng, đối tác lớn không?

Nợ của công ty
  • Cơ cấu nợ ngắn hạn và dài hạn của công ty có trong khả năng kiểm soát không?

  • Công ty có kế hoạch đầu tư lớn nào trong tương lai không? Nợ vay cần bổ sung thêm là bao nhiêu?

  • Chi phí lãi vay của công ty hàng năm có nhiều không? (Bạn sẽ cần tìm những công ty có rất ít hoặc không có chi phí lãi vay).

  • Công ty có cổ phiếu ưu đãi không?

Vốn chủ sở hữu
  • Tỷ lệ ROE của công ty trong 10 năm gần nhất có xu hướng tăng không?

  • Công ty có vốn chủ sở hữu nhiều hơn vốn vay dài hạn không?

Biên lợi nhuận
  • Biên lợi nhuận gộp của công ty trong 10 năm qua có xu hướng tăng ổn định? Hoặc ít nhất là duy trì ở mức trung bình dài hạn?

  • Biên lợi nhuận sau thuế của công ty trong 10 năm qua có xu hướng tăng ổn định? Hoặc ít nhất là duy trì ở mức trung bình dài hạn?

Đầu tư và sử dụng vốn
  • Tỷ lệ ROA của công ty trong 10 năm gần nhất có xu hướng tăng hoặc ít nhất duy trì ổn định ở mức trung bình không?

  • Tỷ lệ ROIC (Return on Invested Capital) của công ty có duy trì ổn định trong 10 năm qua không?

  • Công ty có phải đầu tư lớn cho xây dựng cơ bản (Capital Expenditures) trong nhiều năm liền để duy trì vị thế cạnh tranh không?

  • Chiến lược đầu tư của công ty có hợp lý không? Công ty có tập trung đầu tư cho hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình không?

  • Công ty có đầu tư cho hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển) không?

Vấn đề Quản trị
  • Ban lãnh đạo có kế hoạch gì để tăng trưởng?

  • Công ty có những giao dịch lớn với bên thứ 3 có liên quan, thành viên gia đình của Ban lãnh đạo không?

  • Công ty có trình bày đầy đủ chi tiết các khoản mục trong thuyết minh báo cáo tài chính không?

  • Công ty có cập nhật báo cáo hoạt động kinh doanh hàng tháng trên website không?

  • Ban lãnh đạo có khách quan và thẳng thắn với hiệu quả kinh doanh thể hiện trên các báo cáo và thông cáo báo chí không?

  • Công ty có từng điều chỉnh lớn số liệu sau khi đã công bố báo cáo tài chính không?

  • Ban lãnh đạo có trung thực và thẳng thắn trong Đại hội cổ đông không?

  • Ban lãnh đạo có thực hiện đúng những lời hứa trong 10 năm gần nhất không?

Cổ tức tiền mặt
  • Công ty có duy trì cổ tức tiền mặt đều đặn và phù hợp với tăng trưởng lợi nhuận (EPS) hàng năm không?

  • Tỷ lệ chi trả cổ tức hàng năm có duy trì ổn định không? Tỷ lệ này đang có xu hướng tăng hay giảm? Tương quan với xu hướng của tỷ lệ ROE như thế nào?

Tài sản của công ty
  • Công ty có những tài sản vô hình nào chưa được đám đông nhìn nhận không? Ví dụ: quyền sử dụng đất, các khoản đầu tư chưa được định giá lại…

  • Công ty có tỷ lệ các khoản phải thu so với tổng tài sản có thấp không?

  • Hàng tồn kho của công ty được cấu thành từ đâu? Chi phí yếu tố đầu vào của công ty có xu hướng như thế nào trong tương lai?

Mua lại cổ phiếu và phát hành cổ phiếu
  • Công ty có thường xuyên mua lại cổ phiếu quỹ không?

  • Công ty có thường xuyên phát hành thêm cổ phiếu không? Bao gồm cả cổ phiếu ESOP? Tỷ lệ phát hành là bao nhiêu? Đây là yếu tố tiêu cực mà bạn cần đặc biệt chú ý.

Giao dịch nội bộ
  • Ban lãnh đạo và những người có liên quan có những giao dịch gì gần đây?

  • Tỷ trọng những giao dịch này so với số lượng cổ phiếu đang niêm yết có lớn không?

Nhà đầu tư tổ chức
  • Công ty có được nhiều công ty chứng khoán quan tâm không?

  • Công ty có nhiều cổ đông tổ chức là các quỹ đầu tư (đặc biệt là các quỹ nước ngoài) không?

  • Tỷ lệ sở hữu của những cổ đông tổ chức là các quỹ đầu tư có lớn không?

Lạm phát và chu kỳ kinh tế
  • Công ty có khả năng tăng giá sản phẩm dịch vụ khi lạm phát tăng không?

  • Doanh thu của công ty có mối quan hệ phụ thuộc như thế nào với chu kỳ kinh tế?

  • Ban lãnh đạo công ty đang có những chiến lược, kế hoạch gì để đưa công ty vào 1 chu kỳ tăng trưởng mới?

 

Định giá cổ phiếu

Haizzz…

Bạn đang thở dài?

Danh sách các tiêu chí sao mà dài thế?

Vì sao ư?

Để giúp “cái đầu nóng” của bạn có đủ thời gian xem xét lại tất cả các vấn đề.

Điều này giúp bạn sẽ không còn vội vàng hành động theo cảm xúc nữa.

Bước cuối cùng

Bạn cần biết được giá trị nội tại của cổ phiếu đó là bao nhiêu.

Dưới đây là 4 tiêu chí mà bạn cần đánh giá:

  • Công ty có tỷ lệ P/E thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng không? Ví dụ tỷ lệ P/E là 7.x trong khi tốc độ tăng trưởng kép dự kiến trong 5 năm tới là 10%.

  • Giá cổ phiếu có thấp hơn (discount) so với giá trị nội tại của công ty không?

  • Giá cổ phiếu có thấp hơn (discount) so với giá trị sổ sách của công ty không?

  • Công ty có động lực hay “chất xúc tác” (catalysts) gì trong tương lai gần để thúc đẩy giá cổ phiếu về đúng giá trị không?


Giá trị nội tại

Rất nhiều bạn đọc đến đây sẽ đặt câu hỏi:

Tôi không có nhiều kiến thức tài chính thì làm thế nào định giá cổ phiếu?

Đừng quá lo lắng!

Giá trị cổ phiếu không phải là 1 con số chính xác tuyệt đối. Vì thế bạn chỉ cần xác định 1 khoảng giá trị của cổ phiếu mà tại đó bạn cảm thấy đủ chắc chắn và an toàn.

Để xác định khoảng giá trị này, bạn không cần phải là 1 chuyên gia về tài chính.

Bạn chỉ cần 1 vài giả thiết cơ bản lấy từ báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán.

Sau đó áp dụng 1 vài công thức định giá đơn giản như của Benjamin Graham hay Absolute PE của Katsenelson.

Hoặc đơn giản hơn là sử dụng tỷ lệ PE, PB bình quân trong quá khứ.


Chất xúc tác (Catalysts)

Cho dù bạn đã tìm được 1 cổ phiếu tốt và đang bị định giá thấp, hãy chắc chắn rằng…

…Công ty đó sẽ có 1 vài catalysts nổi bật giúp giá cổ phiếu về đúng giá trị của nó.

Một vài catalysts thông thường như:

  • Kết quả kinh doanh vượt kế hoạch

  • Công bố 1 hợp đồng lớn mới

  • Ngành/lĩnh vực có sự tăng trưởng vượt bậc

  • Nhà nước công bố chính sách, quy định mới có lợi cho hoạt động kinh doanh của công ty

Comments


bottom of page