Lý thuyết Dow là một trong những lý thuyết cổ điển và quan trọng nhất trong phân tích kỹ thuật, được ứng dụng khá nhiều trong chứng khoán, forex và tiền điện tử để xác định chuyển động và xu hướng của thị trường. Nhà đầu tư nên nắm rõ và tìm hiểu cách áp dụng Lý thuyết Dow.
Lý thuyết Dow là gì? Lịch sử hình thành
Lý thuyết Dow được coi là nền tảng để phát triển nhiều chỉ số quan trọng trong phân tích kỹ thuật như: chỉ số RSI, trendline, MACD, sóng Elliott….
Cha đẻ của lý thuyết Dow là ông Charles H. Dow. Ban đầu, lý thuyết Dow được đăng tải trên tờ Wall Street Journal dưới dạng bài luận. Ông đưa ra kèm theo các dẫn chứng cụ thể về những biến động trên thị trường chứng khoán. Ông phân tích dựa trên 2 chỉ số cơ bản là chỉ số công nghiệp Dow Jones và chỉ số đường sắt Dow Jones (nay là Chỉ số vận tải).
Dow tin rằng thị trường chứng khoán nói chung là thước đo đáng tin cận cho điều kiện tổng thể của 1 nền kinh tế. Và bằng cách phân tích tổng thể người ta có thể đánh giá chính xác các điều kiện đó cũng như xác định hướng xu hướng chính của thị trường và hướng phát triển của từng cổ phiếu riêng lẻ.
Năm 1902, Charles Dow đột ngột qua đời khiến cho những tài liệu nghiên cứu còn dang dở. Cộng sự của ông là William P.Hamilton đã tiếp tục hoàn thiện lý thuyết Dow như ngày nay.
6 nguyên tắc cơ bản của Lý thuyết Dow
Lý thuyết Dow dựa trên 6 nguyên tắc sau:
Nguyên lý số 1: Thị trường phản ánh tất cả
Các thông tin về thị trường chứng khoán (từ quá khứ đến hiện tại) đều được phản ánh qua giá cổ phiếu cùng các chỉ số liên quan như: GDP, lạm phát, lãi suất, cảm xúc của nhà đầu tư…. Điều duy nhất bị loại trừ là các thông tin không thể biết trước như động đất, sóng thần hay khủng bố… Tuy nhiên, ngay sau đó những rủi ro của sự kiện này cũng được định giá vào thị trường.
Giống như phân tích kỹ thuật chính thống, lý thuyết Dow chủ yếu tập trung vào giá cả. Tuy nhiên, lý thuyết Dow liên quan đến biến động toàn bộ thị trường hơn là chỉ thu hẹp trong thị trường chứng khoán.
Nguyên tắc thứ 2: Ba xu thế của thị trường
Thị trường chứng khoán dựa trên lý thuyết Dow sẽ bao gồm 3 xu thế cơ bản:
Xu thế chính: Xu hướng cấp 1 có thời gian diễn biến từ 1 đến 3 năm. Chu kỳ này diễn ra nhưng không 1 ai có thể dự đoán và thao túng.
Xu thế phụ: Xu hướng cấp 2 có thời gian diễn ra từ 1 đến 3 tháng. Đây là xu thế đi ngược lại với xu thế chính.
Xu thế nhỏ: Thời gian diễn ra của xu thế cấp 3 chỉ trong khoảng 3 tuần. Xu thế này sẽ có xu hướng đi ngược lại với xu hướng phụ.
Nhìn vào minh hoạ phía trên, ở phần mũi tên bên trái màu xanh thể hiện xu thế cấp 1 đang là xu thế tăng, thì cứ sau 1 đà tăng lại có 1 đà giảm, những lần điều chỉnh giảm đó được xem là xu thế cấp 2.
Tương tự, ở các đường bên phải, trong 1 xu thế giảm có thể thấy sau đà giảm sẽ xuất hiện các đà tăng, và đây cũng được xem là xu thế cấp 2, ngăn chặn đà giảm giá tiếp tục tiếp diễn.
Các nhà đầu tư cần chú ý rằng Xu thế tăng cấp 1 chỉ được tiếp diễn khi và chỉ khi đỉnh sau phải cao hơn đỉnh trước và đáy sau sẽ phải cao hơn đáy trước giống như các bậc thang vậy.
Nếu nhà đầu tư chỉ tập trung vào xu thế phụ và nhỏ, có nghĩa là nhà đầu tư đang tập trung vào các biến động ngắn hạn. Khi đó, nhà đầu tư có thể đang bỏ qua các cơ hội lớn và đầu tư dài hạn.
Nguyên lý thứ 3: Ba giai đoạn của xu thế chính
Xu hướng chính của thị trường chứng khoán thường có 3 giai đoạn phát triển.
Đối với xu hướng tăng:
- Giai đoạn tích luỹ: Trong giai đoạn này, thị trường biến động chậm và gần như không thay đổi. Giai đoạn này thường nằm ở cuối xu thế giảm, giá tài sản ở thời điểm này tương đối thấp. Giai đoạn này khó nhận biết, nên nhà đầu tư khó lòng nhận ra xu thế giảm đã thực sự kết thúc hay chưa.
- Giai đoạn bùng nổ: Giai đoạn giá cổ phiếu bắt đầu tăng mạnh, các nhà đầu tư tiến hành mua vào và chờ thời cơ bùng nổ.
- Giai đoạn quá độ: Giai đoạn thị trường đã đạt đến mức tăng cao nhất và bắt đầu yếu dần. Một số nhà đầu tư có nhu cầu bán dần cổ phiếu, thị trường bắt đầu xu hướng giảm.
Đối với xu hướng giảm:
- Giai đoạn phân phối: Xu hướng giảm bắt đầu khi nhà đầu tư tiếp tục mua vào bởi tin rằng giá tiếp tục tăng nhưng không biết thực tế mình đang đu đỉnh.
- Giai đoạn giảm mạnh: Thời điểm nhiều tin xấu được tung ra khiến nhà đầu tư rơi vào trạng thái hoang mang và tìm cách bán tháo.
- Giai đoạn tuyệt vọng: Giai đoạn thị trường xám xịt, nhà đầu tư bán tháo khiến cho giá tuột dốc không phanh. Lúc này, giai đoạn tích lũy bắt đầu và lặp lại xu hướng mới.
Nguyên lý 4: Chỉ số bình quân phải xác nhận lẫn nhau
Lý thuyết Dow cho rằng để xác nhận một xu hướng của thị trường, các chỉ số chính như Chỉ số trung bình công nghiệp và đường sắt phải di chuyển cùng hướng. Nếu có sự bất đồng giữa các chỉ số, điều đó có thể là một dấu hiệu của sự yếu kém hoặc đảo chiều của xu hướng.
Nguyên lý 5: Khối lượng giao dịch là điều kiện xác nhận xu hướng
Theo lý thuyết của Dow, các tín hiệu để mua và bán dựa trên biến động giá. Chính vì thế, khối lượng cũng được sử dụng như một chỉ báo để giúp xác nhận những gì thị trường đang gợi ý cho nhà giao dịch.
Từ nguyên lý này cho thấy, trong 1 xu hướng giá tăng khối lượng sẽ tăng theo khi giá di chuyển theo đúng xu hướng và giảm khi giá di chuyển theo hướng ngược lại. Ví dụ, trong một xu hướng tăng, khối lượng sẽ tăng khi giá tăng và giảm khi giá giảm.
Như vậy trong trường hợp khối lượng chạy ngược với xu hướng (giá tăng nhưng khối lượng giảm, giá giảm nhưng khối lượng giao dịch tăng) đó là dấu hiệu của sự yếu kém trong xu hướng hiện tại và có thể sẽ có sự đảo chiều xu hướng trong thời gian tới.
Nguyên lý 6: Xu hướng được duy trì cho đến khi dấu hiệu đảo chiều xuất hiện
Lý thuyết Dow cho rằng một khi một xu hướng đã được thiết lập, nó sẽ tiếp tục duy trì cho đến khi có dấu hiệu của sự đảo chiều. Do đó, nhà đầu tư nên theo dõi và tuân theo xu hướng, thay vì cố gắng dự đoán hay chống lại nó. Lý thuyết Dow cũng khuyến khích nhà đầu tư sử dụng các công cụ kỹ thuật như xu hướng, kháng cự, hỗ trợ, đường trung bình để xác định và theo dõi xu hướng.
Nhà giao dịch nên kiên nhẫn chờ đợi 1 bức tranh rõ ràng về việc đảo ngược xu hướng để tránh nhầm lẫn giữa xu hướng phụ và xu hướng chính. nên rất dễ gây nhầm lẫn đó thực sự là xu hướng chính hay chỉ là sự điều chỉnh xu hướng.
Hạn chế của lý thuyết Dow
Lý thuyết Dow không phải lúc nào cũng đúng và tồn tại những mặt hạn chế:
- Có độ trễ: Thị trường luôn biến động không ngừng. Nếu đợi đủ cả 3 giai đoạn nhà đầu tư có thể sẽ làm mất đi cơ hội đầu tư ở phần đầu và cuối xu hướng.
- Không áp dụng cho khung ngắn hạn: Đầu tư ngắn hạn cũng là một kênh thu về lợi nhuận, tuy nhiên hầu như lý thuyết Dow không đưa ra các phân tích và dấu hiệu cho giai đoạn trung gian, ngắn hạn.
- Không có điểm vào lệnh rõ ràng: Lý thuyết Dow có thể chỉ ra xu hướng thị trường nhưng không chỉ ra được điểm vào lệnh.
Lý thuyết Dow là một lý thuyết cơ bản, quan trọng mà các nhà đầu tư nên hiểu rõ. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần kết hợp thêm các công cụ phân tích kỹ thuật khác để tìm ra điểm vào lệnh hợp lý và giao dịch hiệu quả nhất.
コメント