"Công ty lý tưởng đối với tôi sẽ tạo ra lợi nhuận trên vốn đầu tư (Return on Invested Capital) cao, và có thể tái đầu tư vốn vào công ty đó với lợi nhuận cao tương tự." - Warren Buffett
Chỉ số ROIC là gì?
ROIC – Return on Invested Capital là một chỉ số tài chính. Phản ánh khả năng sinh lời của vốn đầu tư, mà không xét đến nguồn gốc của vốn đầu tư (nợ vay hay vốn chủ sở hữu).
Về cơ bản, chỉ số này cho chúng ta biết lợi nhuận được tạo ra (trên Báo cáo KQKD) là bao nhiêu so với số vốn đầu tư vào doanh nghiệp (trên Bảng CĐKT)?
Nếu ROIC là 10%, có nghĩa là doanh nghiệp tạo ra được 10 đồng lợi nhuận với mỗi 100 đồng vốn đầu tư.
Công thức tính ROIC
Không có công thức chuẩn để tính toán ROIC nhưng 2 công thức phổ biến nhất là:
hoặc
Vì sao chỉ số ROIC lại quan trọng như vậy?
1. ROIC giải thích được nguồn gốc tạo ra của cải cho cổ đông trong tăng trưởng
Một điều quan trọng mà bạn cần nhớ là, việc “tăng trưởng” không phải miễn phí.
Doanh nghiệp có thể “bào mòn” giá trị của cổ đông bằng việc tăng trưởng nếu ROIC của nó thấp hơn chi phí sử dụng vốn bình quân (WACC).
Ví dụ, 1 doanh nghiệp vay 100 triệu USD với lãi suất 7% để thực hiện đầu tư cho việc tăng trưởng.
Nhưng điều này chỉ giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận thêm 6 triệu USD mỗi năm. (Trong khi phải trả lãi vay 7 triệu USD/năm)
Như thế, doanh nghiệp sẽ phải trả nhiều hơn cho ngân hàng so với mức tăng lợi nhuận, làm giảm giá trị doanh nghiệp.
2. Doanh nghiệp có ROIC cao tạo ra giá trị cho cổ đông lâu dài và mạnh mẽ hơn
Mình lấy ví dụ…
Cả công ty X và công ty Y đều có 100 USD để đầu tư vào năm 0. Sự khác biệt là công ty X có ROIC là 30% và công ty Y là 10%.
Với giả định cả 2 công ty đều tái đầu tư 50% thu nhập mà họ tạo ra mỗi năm vào các tài sản mới của công ty như CAPEX, M&A hay R&D…
Kết quả của việc tái đầu tư thu nhập, 100 USD của công ty X tạo ra tổng cộng 609 USD lợi nhuận EBIT cho nhà đầu tư trong 10 năm tới, so với mức chỉ 126 USD của công ty Y.
Do đó, nếu công ty Y muốn tăng thu nhập của mình với tốc độ tương đương như công ty X, thì sẽ buộc phải tăng vốn chủ sở hữu (phát hành thêm) hoặc đẩy mạnh việc vay nợ.
3. ROIC giúp đánh giá chất lượng đội ngũ quản lý và hoạt động doanh nghiệp
Phân bổ vốn tốt là một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà người lãnh đạo doanh nghiệp cần nắm vững. Sự thật là không phải ban lãnh đạo nào cũng quan tâm đến mục tiêu này.
ROIC giúp đánh giá đội ngũ quản lý trong việc chi tiêu hiệu quả tiền của cổ đông vào các khoản đầu tư sinh lời, để gia tăng tài sản cho cổ đông.
Ngoài ra, nó giải thích liệu công ty có “con hào kinh tế” nào mang lại cho họ lợi thế cạnh tranh so với các công ty khác hay không?
Chúng ta đang nói ở đây về sự đổi mới vượt trội, thương hiệu tốt hơn, chiến lược độc đáo…
Nếu công ty có ROIC thấp, điều này có nghĩa là công ty không tìm thấy một cơ hội đầu tư thú vị nào để tăng tài sản của cổ đông trong dài hạn. Những gì bạn thường thấy ở các công ty có ROIC thấp sẽ là công ty đang chi trả dòng tiền của họ bằng cổ tức thay vì tái đầu tư vào hoạt động kinh doanh của họ.
Chỉ số ROIC bao nhiêu là tốt?
Thông thường, ROIC càng cao, (thể hiện) doanh nghiệp có khả năng phân bổ vốn hiệu quả hơn.
Nhưng điều đó không giúp ích gì nhiều vì chúng ta không biết mức ROIC có thể được coi là tốt hay xấu với từng doanh nghiệp riêng lẻ.
Đó là lý do tại sao ROIC cần được phân tích so với các tiêu chuẩn kinh doanh riêng, và các tiêu chuẩn khác từ các doanh nghiệp đang hoạt động trong điều kiện tương tự.
Một cách để đánh giá ROIC tốt là so sánh nó với Chi phí sử dụng vốn bình quân (WACC) của doanh nghiệp.
ROIC > WACC, tức lợi nhuận từ các dự án của doanh nghiệp lớn hơn chi phí để tài trợ cho các dự án đó => doanh nghiệp đang tạo ra giá trị cho cổ đông.
ROIC < WACC làm giảm giá trị của cổ đông.
Bạn cũng có thể biết ROIC tốt như thế nào bằng cách so sánh trực tiếp với các doanh nghiệp khác trong ngành, hoặc mức trung bình ngành.
Các ngành khác nhau sẽ có các tiêu chuẩn ROIC khác nhau. ROIC càng cao thì hiệu quả sử dụng vốn cũng càng tốt.
Chỉ số ROIC tốt cho biết điều gì?
Nhìn chung, chênh lệch giữa ROIC và WACC của doanh nghiệp sẽ giảm theo thời gian, vì các doanh nghiệp khác tham gia vào thị trường và sẽ cố gắng cạnh tranh để có được lợi nhuận cao hơn.
Đây là lý do vì sao “con hào kinh tế” là cần thiết đối với 1 doanh nghiệp để có thể duy trì lợi nhuận cao trong khoảng thời gian dài.
"A truly great business must have an enduring “moat” that protects excellent returns on invested capital." -Warren Buffett (2007)
“Con hào kinh tế” giúp doanh nghiệp duy trì lợi thế so với các đối thủ khác, khiến họ không chiếm được thị phần và giúp doanh nghiệp duy trì mức lợi nhuận cao trong một thời gian dài.
Các lợi thế này có thể kể đến như: rào cản gia nhập ngành lớn, lợi thế về chi phí, bằng sáng chế hoặc chi phí chuyển đổi cao…
Vì vậy, nếu bạn đang phân tích 1 doanh nghiệp, và cho rằng doanh nghiệp đó có 1 lợi thế cạnh tranh lớn nào đó…
…thì hãy thử kiểm tra lịch sử ROIC của doanh nghiệp để xem liệu giả thuyết của bạn đưa ra có chính xác không?
Và hãy tránh xa những doanh nghiệp có ROIC luôn thấp hơn chi phí sử dụng vốn (WACC). Điều này có nghĩa là BLĐ doanh nghiệp đang bào mòn giá trị của cổ đông bằng cách vay tiền để đầu tư vào các dự án “tăng trưởng”.
Kết luận
Tỷ suất sinh lời trên vốn đầu tư (ROIC) là một số liệu hữu ích có thể được sử dụng như một công cụ để đo lường hiệu quả sử dụng và phân bổ vốn của doanh nghiệp và cũng phản ánh tính hiệu quả trong hoạt động của Ban lãnh đạo.
So sánh ROIC với chi phí vốn (WACC) sẽ cho bạn một bức tranh tốt hơn về hiệu quả và chất lượng chung của doanh nghiệp.
Số liệu ROIC ổn định và cao hơn mức trung bình ngành trong quá khứ cho thấy doanh nghiệp đã tạo dựng được một nền tảng vững chắc và có khả năng tiếp tục gia tăng giá trị với việc tăng trưởng đều đặn trong tương lai.
Tất nhiên, việc đưa ra các quyết định đầu tư chỉ dựa trên ROIC của một doanh nghiệp sẽ không đủ vì có nhiều yếu tố khác phải được xem xét. Nói như vậy, đây vẫn là một trong những thước đo quan trọng mà mọi nhà đầu tư cần xem xét đến khi đi tìm kiếm những cổ phiếu có chất lượng cao!!!
Nguồn: GoValue
Comments