1. Biên an toàn là gì?
Biên an toàn (Margin of Safety) là nguyên tắc được giới thiệu lần đầu bởi Benjamin Graham - ‘cha đẻ’ của đầu tư giá trị, theo đó các nhà đầu tư sẽ chỉ mua vào một cổ phiếu khi giá thị trường của cổ phiếu đó thấp hơn giá trị nội tại. Khi đó, biên an toàn là mức chênh lệch giữa 2 giá trị này.
Ví dụ: Cổ phiếu X đang giao dịch ở mức 42 và được định giá là 50. Một nhà đầu tư xác định biên an toàn của mình là 20%, chỉ chấp nhận giá cổ phiếu ở mức thấp hơn hoặc bằng 40. Dù mức giá hiện tại đã thấp hơn định giá, nhưng NĐT này không đặt mua ngay mà sẽ đặt mua ở mức 40 để đảm bảo an toàn.
2. Ý nghĩa của biên an toàn
Trong quá trình đầu tư, nhà đầu tư sẽ cần định giá cổ phiếu thông qua việc tính toán giá trị nội tại của doanh nghiệp, từ đó so sánh nó với giá trị vốn hóa trên thị trường hiện tại. Điều này giúp nhà đầu tư biết được chứng khoán của doanh nghiệp đang được giao dịch cao/thấp hơn hay ngang bằng với giá trị thực của nó để đưa ra quyết định mua/bán phù hợp.
Tuy nhiên, việc tính toán giá trị nội tại này cũng mang tính chất phỏng đoán vì không thể biết chắc chắn được điều gì xảy ra đối với doanh nghiệp trong tương lai. Do đó, việc đặt ra một mức biên an toàn sẽ giúp nhà đầu tư mua được ở vùng an toàn hơn, giảm thiểu được rủi ro khi đưa ra quyết định đầu tư.
3. Nên để biên an toàn là bao nhiêu?
Việc xác định biên an toàn phụ thuộc vào khả năng phân tích, dự báo và khẩu vị rủi ro của từng nhà đầu tư, có người cho rằng mức chiết khấu 20% so với giá trị thực là an toàn, có người lại thấy 30% mới đủ an toàn. Huyền thoại đầu tư Warren Buffett đã từng áp dụng mức chiết khấu lên đến 50%.
4. Cách xác định giá trị thực của cổ phiếu
Để tìm được vùng mua an toàn, trước hết ta cần xác định được giá trị thực của cổ phiếu. Một số phương pháp để xác định giá trị nội tại mà các nhà đầu tư giá trị thường sử dụng bao gồm:
Chiết khấu dòng tiền: giá trị nội tại bằng tổng các dòng tiền chiết khấu của số tiền dự kiến doanh nghiệp tạo ra trong tương lai
Sử dụng các bội số: Các bội số như P/E (chỉ số giá trên thu nhập), P/S (chỉ số giá trên doanh thu) hoặc P/B (chỉ số giá trên giá trị sổ sách) giúp nhà đầu tư so sánh cổ phiếu với các đối thủ cạnh tranh, số liệu trong quá khứ của chính cổ phiếu đó hoặc với thị trường chung. Nếu cổ phiếu có bội số thấp hơn so với cổ phiếu cùng ngành hoặc thị trường chung, thì cổ phiếu đó có thể có biên độ an toàn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng cần lưu ý đến tính nhất quán và bền vững của các bội số này.
Lời kết
Biên an toàn là một nguyên tắc được khuyến khích sử dụng với các nhà đầu tư giá trị. Với những nhà đầu tư mới bắt đầu, biên an toàn giúp họ hạn chế rủi ro, tăng tính thanh khoản và tập trung vào việc học tập, nghiên cứu thị trường. Từ đó, họ sẽ tích lũy được kinh nghiệm và tăng dần tỷ lệ đầu tư. Đối với những nhà đầu tư đã có kinh nghiệm, việc áp dụng nguyên tắc biên độ an toàn giúp họ duy trì và bảo vệ vốn đầu tư, giảm thiểu rủi ro và đạt được mục tiêu đầu tư dài hạn.
Nếu bạn vẫn chưa rõ cách dùng Biên an toàn để chọn cổ phiếu, hãy tham khảo mẫu Định giá trên FireAnt Excel để tiết kiệm thời gian đầu tư nhé!
Comments