Việc chào bán cổ phiếu ra công chúng thường là một cách hiệu quả để huy động vốn. Tuy nhiên, sẽ có những thời điểm mà doanh nghiệp có thể muốn mua lại một lượng cổ phiếu đã phát hành này.
Khi đó, lượng cổ phiếu do chính doanh nghiệp mua lại được gọi là Cổ phiếu quỹ.
#1. Cổ phiếu quỹ là gì?
Cổ phiếu quỹ là cổ phiếu được chính doanh nghiệp phát hành mua lại bằng nguồn vốn hợp pháp.
Lượng cổ phiếu này sẽ không được tính vào số lượng cổ phiếu đang lưu hành.
#2. Những lý do doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ
Việc mua cổ phiếu quỹ được doanh nghiệp thực hiện tùy vào tình hình hiện tại của cổ phiếu…
…hoặc được điều tiết theo chính sách riêng của từng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tựu chung lại thì sẽ có 1 số lý do cơ bản sau:
Lý do 1. Mua để bán lại
Việc mua vào cổ phiếu của chính mình trong giai đoạn thị giá cổ phiếu giảm sâu so với giá trị nội tại…
…đem đến kỳ vọng gia tăng hiệu quả đầu tư khi giai đoạn khó khăn của thị trường qua đi. Và thị giá lúc này đã phục hồi.
Thực tế, tận dụng lúc thị trường tích cực, nhiều doanh nghiệp đã bán lượng cổ phiếu quỹ mua vào với giá thấp trước đó ở mức giá cao.
Dù khoản chênh lệch không được hạch toán vào lợi nhuận, nhưng vẫn giúp cải thiện dòng tiền, làm tăng thặng dư vốn cổ phần trên báo cáo tài chính.
Techcombank: 6 tháng lãi 352% Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (TCB) là ví dụ điển hình của việc hưởng lợi từ mua bán cổ phiếu quỹ.
Tháng 9/2017, TCB chi 4.404 tỷ đồng mua lại 172,35 triệu cổ phiếu từ cổ đông lớn HSBC làm cổ phiếu quỹ với giá 23.445 đồng/cp.
Nửa năm sau, vào T3.2018, TCB bán hơn 93 triệu số cổ phiếu này với giá 91.000 đồng/cp, tức cao gấp gần 4 lần giá mua vào.
Sau đó, bán nốt 64,4 triệu lượng cổ phiếu còn lại với giá 128.000 đồng/cp, cao gấp 5,5 lần giá mua.
Như vậy, thông qua việc đầu tư vào “bản thân” trong khoảng nửa năm, Techcombank sinh lợi trung bình 352%.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể sử dụng lượng cổ phiếu quỹ này để bán cho cổ đông chiến lược. Nhằm mục đích huy động vốn.
Lý do 2. Tăng quyền kiểm soát doanh nghiệp
Động thái mua lại cổ phiếu cũng là một biện pháp giúp doanh nghiệp tránh khỏi các thế lực khác gom mua cổ phiếu khi giá lao dốc để thao túng, nhằm nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp.
Thậm chí, đây cũng có thể là bước đệm cho doanh nghiệp thực hiện giảm vốn điều lệ thông qua việc mua và sau đó hủy số cổ phiếu quỹ đã mua.
Lý do 3. Đảm bảo lợi ích cho các cổ đông
Mua lại cổ phiếu cũng là cách mà doanh nghiệp đứng lên đảm bảo cho lợi ích cổ đông khi giá cổ phiếu đi xuống.
Lúc này, lượng cổ phiếu lưu hành trên thị trường sẽ giảm, hạ nguồn cung, tạo động lực cổ phiếu tăng giá trở lại.
Việc giảm số lượng cổ phiếu lưu hành cũng là một cách tăng giá trị 1 cổ phần cho cổ đông.
Trên thực tế, các doanh nghiệp tính đến chuyện mua cổ phiếu quỹ khi giá cổ phiếu giảm mạnh và sâu. Việc mua lại giúp bình ổn giá thị trường và gia tăng giá trị cho cổ đông.
Lý do 4. Thu hồi cổ phiếu ESOP
Các doanh nghiệp cũng có thể thực hiện mua lại cổ phiếu ESOP của người lao động (thường là các lao động đã nghỉ việc) làm cổ phiếu quỹ…
…và sau đó dùng chính số cổ phiếu này bán lại cho người lao động trong doanh nghiệp (với mức giá ưu đãi) nhằm tạo động lực cho người lao động.
Lý do 5. Giúp cải thiện các chỉ số tài chính
Việc mua cổ phiếu quỹ sẽ làm giảm lượng cổ phiếu đang lưu hành, tăng các chỉ số hiệu quả hoạt động tính trên nguồn vốn như thu nhập trên cổ phần (EPS), tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE)…
Qua đó khiến định giá cổ phiếu trở lên hấp dẫn hơn.
#3. Đặc điểm của cổ phiếu quỹ
Bản chất của cổ phiếu quỹ là cổ phiếu chung của tất cả các cổ đông, nên nó không có lợi ích đặc biệt nào hết. Ngoại trừ việc doanh nghiệp có thể bán lại ra thị trường để thu tiền về.
Đặc điểm nổi bật nhất của cổ phiếu quỹ so với cổ phiếu thông thường đó là:
Cổ phiếu quỹ không được nhận cổ tức.
Cổ phiếu quỹ không có quyền biểu quyết.
Tổng số cổ phiếu quỹ không được vượt quá tỷ lệ vốn hóa do luật pháp quy định.
Sau khi mua xong, doanh nghiệp có quyền hủy cổ phiếu quỹ, hoặc giữ lại và bán ra thị trường khi cần huy động vốn.
*Lưu ý: Khi mua/bán cổ phiếu quỹ thì doanh nghiệp KHÔNG được phép ghi nhận lãi lỗ, mà chỉ ghi nhận tăng giảm nguồn vốn và thặng dư vốn cổ phần.
#4. Thông tin về cổ phiếu quỹ được thể hiện ở đâu trên Báo cáo tài chính?
CTCP Bóng đèn Điện Quang (Mã: DQC) thông báo mua lại 3.7 triệu cổ phiếu vào tháng 1.2019 và đã mua xong vào cuối tháng 3.
Như vậy, thông tin này sẽ được phản ánh trong BCTC Quý 1 của doanh nghiệp.
Cụ thể:
Trên bảng Cân đối kế toán, phần Vốn chủ sở hữu sẽ cung cấp thông tin về chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra để mua cổ phiếu quỹ…
Chi phí DQC bỏ ra để mua cổ phiếu quỹ trong Q1.2019 là: 167 – 67 ~ 100 tỷ đồng
Và trong phần thuyết minh số lượng cổ phiếu lưu hành, bạn sẽ tìm được thông tin về số lượng cổ phiếu mà doanh nghiệp đã mua lại.
Số lượng cổ phiếu quỹ mà DQC mua được trong Q1.2019 = 6.8 – 3.1 ~ 3.7 triệu CP
Vậy…
3.7 triệu cổ phiếu được DQC mua lại với giá bao nhiêu?
Lấy phần chi phí DQC bỏ ra mua cổ phiếu trong kỳ chia cho số lượng cổ phiếu đã mua trong kỳ…
…ta có thể tính ra mức giá (bình quân) cho 1 cổ phiếu quỹ mà DQC mua lại trong kỳ.
Tức là: 100 tỷ đồng / 3.7 triệu CP ~ 27k/CP
Hoặc bạn lấy 167 tỷ đồng / 6.8 triệu CP ~ 24.6k/CP để ra mức giá vốn bình quân cho toàn bộ cổ phiếu quỹ mà DQC đang nắm giữ.
#5. Cách thức thực hiện mua bán cổ phiếu quỹ
Đối với cổ phiếu niêm yết giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán khi thực hiện mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ phải tuân thủ các quy định về giao dịch của Sở.
Với trường hợp cổ phiếu chưa niêm yết thì chỉ được thực hiện thông qua công ty chứng khoán được chỉ định.
Nguyên tắc xác định giá mua bán cổ phiếu quỹ
Việc mua bán cổ phiếu quỹ sẽ thực hiện theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận…
…theo nguyên tắc tính như sau:
Giá đặt mua ≤ Giá tham chiếu + (Giá tham chiếu * 50% Biên độ dao động giá cp)
Giá đặt bán ≥ Giá tham chiếu – (Giá tham chiếu * 50% Biên độ dao động giá cp)
Trong mỗi ngày giao dịch, công ty đăng ký giao dịch giao dịch cổ phiếu quỹ theo phương thức khớp lệnh chỉ được đặt lệnh giao dịch với tổng khối lượng tối thiểu 3% và tối đa 10% khối lượng giao dịch đã đăng ký.
#6. Doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ
là tích cực hay tiêu cực?
Như nhiều công cụ tài chính khác, việc doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ đều có cả tác động tích cực và tiêu cực đối với nhà đầu tư.
Mặt tích cực là giúp tăng giá cổ phiếu trong ngắn hạn. Làm cơ cấu cổ đông cô đặc hơn, làm giảm khả năng pha loãng thu nhập EPS…
Giá cổ phiếu VCS đã tăng 17.5% trong thời gian doanh nghiệp đăng ký mua 4.8 triệu cổ phiếu quỹ (1/4 – 29/4/2020)
Trong trường hợp giá cổ phiếu giảm sâu, mua cổ phiếu quỹ còn như 1 lời khẳng định rằng doanh nghiệp vẫn đang hoạt động tốt.
Tuy nhiên…
Việc mua cổ phiếu quỹ có thể không làm gia tăng giá trị gì cho doanh nghiệp.
Thậm chí còn làm giảm phần vốn đầu tư cho các dự án mới, ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp trong dài hạn.
Việc mua cổ phiếu quỹ cũng có thể gia tăng rủi ro do tăng hệ số nợ/vốn chủ sở hữu.
Ngoài ra, 1 góc khuất nữa của việc mua cổ phiếu quỹ đó chính là tính bất cân xứng thông tin giữa ban quản trị, lãnh đạo doanh nghiệp và một bên là các cổ đông nhỏ lẻ.
#7. Mua lại cổ phiếu trong khủng hoảng và
dòng tiền âm vẫn mua cổ phiếu quỹ?
Vào thời điểm đầu năm 2020, thị trường chứng khoán đã xuất hiện làn sóng mua cổ phiếu quỹ. Tất nhiên, điều này là có lý do của nó.
Tuy nhiên, nếu đứng trên góc nhìn về quản trị rủi ro, thì hành động có vẻ không được hợp lý lắm.
Bởi khủng hoảng có thể khiến cho triển vọng dòng tiền của doanh nghiệp trong tương lai trở lên tiêu cực…
…do đó, các doanh nghiệp nên có xu hướng trả cổ tức và mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp mình ít hơn.
Việc mua lại cổ phiếu sẽ khiến cho lượng tiền mặt giảm đi, tỷ lệ nợ tăng lên… khiến cho khả năng chống chịu với khủng hoảng của doanh nghiệp trở lên yếu đi.
Trong khủng hoảng, nắm giữ tiền mặt, đảm bảo thanh khoản là rất quan trọng!
Mua cổ phiếu quỹ làm tăng rủi ro. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp mua lại bằng việc sử dụng nợ vay.
Thống kê ngắn:
Doanh nghiệp mua lại cổ phiếu trong khủng hoảng
Có 1 thống kê ngắn về việc các doanh nghiệp Việt Nam công bố mua cổ phiếu quỹ từ đầu T3.2020 khi VN-Index mất ngưỡng 900 điểm và rơi nhanh.
Mẫu thống kê này xem xét các doanh nghiệp đăng ký mua với số lượng trên 1 triệu đơn vị (nhằm loại ra các giao dịch nhỏ và vì một số phục đích kỹ thuật của doanh nghiệp) và không tính đến các cổ phiếu ngân hàng để đồng nhất về phương pháp phân tích cổ phiếu.
Tổng (Dòng tiền hoạt động kinh doanh + Dòng tiền đầu tư) sẽ được tính toán và xét trong 5 năm (từ 2015 – 2019)
Chỉ số được sử dụng nhằm xem xét doanh nghiệp có thể tự cân đối cho các quyết định đầu tư của mình bằng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh không, hay phải sử dụng các nguồn tài chính khác như đi vay nợ…
Tất nhiên, việc xem xét này không thật sự chặt chẽ với các doanh nghiệp có của để dành từ các năm trước, có nguồn vốn tích lũy lớn, lượng tiền mặt dồi dào và việc thiếu hụt dòng tiền trong 1 – 2 năm không hẳn là vấn đề.
Để phân tích kỹ hơn thì bạn sẽ cần đi sâu vào từng doanh nghiệp.
Kết quả thống kê cho thấy:
Trong giai đoạn 2015 – 2019, hơn 60% doanh nghiệp công bố mua cổ phiếu quỹ có tổng dòng tiền (hoạt động kinh doanh + hoạt động đầu tư) âm trong 5 năm.
Chưa tính đến dòng tiền tài chính, nhưng dòng tiền âm liên tục, mà còn mua cổ phiếu quỹ thì thật đáng lo ngại và đáng ngờ.
Bài học rút ra
Rõ ràng doanh nghiệp và cổ đông đang phải đánh đổi lợi ích trước mắt là nguồn tiền dự trữ – vốn được xem là “tấm đệm” trong giai đoạn kinh doanh khó khăn – sẽ sụt giảm. Các chi phí sẽ tăng lên khi phải tăng sử dụng nguồn vốn chiếm dụng, đi vay để bù đắp. Nếu không giải quyết tốt bài toán dòng tiền, tình hình kinh doanh, tài chính có thể sẽ xấu đi. Dẫn đến tình trạng “lợi bất cập hại”.
Bottom line
Như vậy, có thể thấy, cùng một công cụ là cổ phiếu quỹ…
Doanh nghiệp có thể sử dụng như một kênh đầu tư hiệu quả khi có dòng vốn nhàn rỗi, như chiếc “chìa khóa vàng” nâng đỡ, hỗ trợ giá cổ phiếu của chính mình…
Tuy nhiên, việc phải dành một lượng tiền lớn để mua lại cổ phiếu có thể khiến doanh nghiệp gặp rắc rối với dòng tiền. Làm thiếu hụt nguồn vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh.
Hoặc nếu những thông tin đưa ra không được thực thi đúng như kế hoạch thì niềm tin của cổ đông, nhà đầu tư sẽ rất dễ bị tổn thương.
Hãy tìm hiểu thật kỹ thông tin khi một doanh nghiệp phát đi thông báo mua cổ phiếu quỹ để có thể đưa những quyết định đầu tư đúng đắn nhất nhé!
Nguồn: Tuấn Trần - GoValue
Комментарии