top of page

10 chỉ số bảng cân đối mà mọi nhà đầu tư đều cần phải biết khi đầu tư chứng khoán

Updated: Aug 28, 2023

Tăng trưởng là cần thiết để 1 cổ phiếu trở nên hấp dẫn tuy nhiên tăng trưởng sẽ là vô nghĩa nếu doanh nghiệp đó có chất lượng yếu kém.

“Nếu bạn muốn thành công khi đầu tư chứng khoán, bạn phải làm khác những điều mà đám đông thường làm”

Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ Bộ 10 chỉ số bảng cân đối mà tôi áp dụng trong tất cả các phân tích trên Go Value để xác định sức khỏe tài chính của doanh nghiệp

A. Các tỷ lệ khả năng thanh toán

Đánh giá xem doanh nghiệp có đủ tiền mặt, tài sản và mức nợ thấp để hoạt động bình thường mà không gặp khó khăn về tài chính.

Hai tỷ lệ đơn giản dễ tính toán nhất (chỉ cần 2 chỉ số này là đủ) là:

1. Tỷ lệ thanh toán nhanh (Quick ratio)

Đo lường khả năng doanh nghiệp thanh toán nghĩa vụ ngắn hạn bằng tài sản có thanh khoản cao nhất.

Tỷ lệ thanh toán nhanh càng cao => doanh nghiệp càng ổn định hơn về tài chính.

2. Tỷ lệ thanh toán hiện hành (Current ratio)

Phiên bản đơn giản hơn của tỷ lệ thanh toán nhanh, đánh giá khả năng thanh toán các nghĩa vụ ngắn hạn của doanh nghiệp.

  • Tỷ lệ <1: cảnh báo về khả năng thanh toán các nghĩa vụ ngắn hạn (không có nghĩa là doanh nghiệp sẽ phá sản, tuy nhiên đây là dấu hiệu cần chú ý đến).

  • Tỷ lệ <1 liên tục trong nhiều năm liền => có thể là đặc điểm chung của ngành nghề hoặc vì có rủi ro cao khi luôn duy trì mức nợ vay lớn.

3. Các tỷ lệ nợ vay và vốn chủ sở hữu

  • Tỷ lệ Tổng nợ vay/Vốn chủ sở hữu

  • Tỷ lệ Nợ vay dài hạn/Vốn chủ sở hữu

  • Tỷ lệ Nợ ngắn hạn/Vốn chủ sở hữu

Đánh giá việc sử dụng nguồn vốn cho việc tăng trưởng.

Tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu cao => công ty đang tăng trưởng dựa nhiều trên vốn vay nợ.

Nhớ rằng, không phải tất cả nợ vay đều là xấu.

Tuy nhiên, cần phải xem xét tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở trong bối cảnh cụ thể, phụ thuộc vào 2 yếu tố:

  • Thứ nhất, tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu quá cao (khoảng >150%) => doanh nghiệp phải thường xuyên trả nợ gốc và lãi vay.

=> Liệu dòng tiền của doanh nghiệp có đủ để trả nợ gốc và lãi vay trong tình huống rủi ro xảy ra không?

  • Thứ hai, tỷ suất lợi nhuận tạo ra từ nguồn vốn vay có cao hơn chi phí (lãi suất) phải trả cho nguồn vốn vay đó hay không?

Thực tế, có nhiều doanh nghiệp đề cao vấn đề tăng trưởng vì các cổ phiếu tăng trưởng thường thu hút sự chú ý và được nhà đầu tư đánh giá cao.

Tuy nhiên, Ban lãnh đạo sẵn sàng đánh đổi giá trị cổ phần của cổ đông cho việc tăng trưởng. (Khi lợi nhuận trên vốn đầu tư < chi phí vốn mà doanh nghiệp huy động).

Khi đó, lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn tăng trưởng đều đặn hàng năm nhưng thực tế, giá trị cổ phần của cổ đông đang bị bào mòn dần để đánh đổi cho sự tăng trưởng.

=> Nên đánh giá xem Tỷ suất lợi nhuận trên tổng vốn huy động (ROCE) có lớn hơn Chi phí vốn bình quân (WACC) không.

 

B. Các tỷ lệ về hiệu quả hoạt động

Đánh giá khả năng doanh nghiệp có thể chuyển hóa tài sản trên bảng cân đối thành doanh thu và dòng tiền mặt.

=> Áp dụng cho doanh nghiệp trong cùng một ngành nghề

Bạn cũng không cần phải sử dụng quá nhiều chỉ số, tỷ lệ phức tạp vì càng nhiều chỉ số, tỷ lệ phức tạp sẽ càng làm bạn cảm thấy “bối rối”.

Tôi thường sử dụng những chỉ số dưới đây và tôi cũng khuyên bạn chỉ cần những tỷ lệ này là đủ.

1. Số ngày thu tiền khách hàng (Days Sales Outstanding, DSO)

Khả năng doanh nghiệp thu hồi nhanh các khoản phải thu để chuyển hóa thành tiền mặt nhanh là một dấu hiệu tốt về sức khỏe và tính hiệu quả trong kinh doanh của doanh nghiệp.

Bạn có thể hiểu đơn giản là doanh nghiệp có năng lực đàm phán với khách hàng tốt hơn.

  • Tỷ lệ DSO thấp => doanh nghiệp cần ít ngày hơn để có thể thu hồi tiền mặt từ các khoản phải thu.

  • Tỷ lệ DSO cao => doanh nghiệp đang “bán chịu” hàng hóa cho khách hàng và mất nhiều ngày hơn để có thể thu hồi tiền mặt về.

2. Số ngày xử lý hàng tồn kho (Days Inventory Outstanding, DIO)

Tỷ lệ này chỉ ra số ngày bình quân mà doanh nghiệp lưu hàng tồn kho trong kho trước khi hàng hóa được bán đi.

Chỉ nên sử dụng với doanh nghiệp sản xuất và thương mại hàng hóa (DN có tỷ trọng hàng tồn kho trên tài sản cao)

  • DIO thấp => có nhiều đơn hàng liên tục và xử lý hàng tồn kho nhanh, thể hiện hiệu quả trong quản lý và xử lý hàng tồn kho.

Lưu ý: Chỉ có ý nghĩa khi bạn so sánh doanh nghiệp trong cùng 1 ngành nghề.


3. Số ngày phải trả nhà cung cấp (Days Payable Outstanding, DPO)

Tỷ lệ DPO chỉ ra số ngày mà doanh nghiệp phải hoàn trả (tiền mặt) cho các khoản nợ với nhà cung cấp của mình.

Khi nhập hàng hóa, nguyên vật liệu, DN chưa phải trả tiền mặt ngay cho nhà cung cấp.

Và có thể sử dụng khoản tiền chưa phải thanh toán ngay để bổ sung vào dòng vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh.

DPO thể hiện con số ước lượng khoảng thời gian này.

=> DPO càng cao càng tốt vì nó thể hiện:

  • DN có năng lực đàm phán với nhà cung cấp hơn.

  • DN có nhiều cơ hội để sử dụng tiền chưa thanh toán, bổ sung cho vốn lưu động.

4. Vòng quay tiền mặt (Cash Conversion Cycle, CCC)

Cash Conversion Cycle = DIO – DPO + DSO

Kết hợp các tỷ lệ DSO, DIO, DPS cùng với nhau, bạn sẽ có được vòng quay tiền mặt của doanh nghiệp.

Vòng quay tiền mặt của doanh nghiệp thấp => doanh nghiệp được quản trị tốt.

Có thể so sánh vòng quay tiền mặt của doanh nghiệp với các đối thủ trực tiếp.

Bạn có thể hình dung về vòng quay tiền mặt đơn giản sau:

  1. Bạn bắt đầu với Tiền mặt.

  2. Tiền dần chuyển hóa vào Các khoản phải trả vì bạn phải mua Hàng tồn kho (hàng hóa, nguyên vật liệu) từ nhà cung cấp.

  3. Bạn nhận được Hàng tồn kho.

  4. Hàng tồn kho được bán sau khi bạn chốt đơn hàng và chuyển thành Các khoản phải thu.

  5. Khi bạn thu được Tiền mặt từ Các khoản phải thu với khách hàng, bạn lại có Tiền mặt trong tay, và bắt đầu lại vòng quay ở Bước 1.



5. Tỷ lệ Hàng tồn kho/Doanh thu (Inventory to Sales ratio)

Theo dõi sự thay đổi qua từng năm, từng quý => đánh giá việc quản trị hàng tồn kho và phát hiện sớm các dấu hiệu bất ổn về dòng tiền của doanh nghiệp trong tương lai.

Nếu tỷ lệ hàng tồn kho/doanh thu tăng mạnh có nghĩa là:

(i) Hoặc là vốn đầu tư cho hàng tồn kho đang tăng nhanh hơn mức tăng doanh thu;

(ii) Hoặc là doanh thu đang giảm;

Cần phải trả lời được 2 vấn đề chính:

  • DN có đang gặp vấn đề về kinh doanh, các đơn hàng mới đang bị chậm lại so với trước đây, hoặc có sự thay đổi từ nhóm khách hàng lớn?

  • DN có đang đánh cược vào xu hướng của ngành trong tương lai, triển vọng của ngành, hoặc xu hướng của nguyên vật liệu đầu vào?

Như vậy, doanh nghiệp sẽ bị tác động như thế nào khi xu hướng nguyên vật liệu đầu vào không như kỳ vọng (cụ thể, giá nguyên vật liệu giảm sâu)?

Cũng cần chú ý đến thời điểm DN đặt cược vào hàng tồn kho trong quá khứ (ở những năm trước) và xu hướng thực tế của nguyên vật liệu để đánh giá sự hiệu quả, nhạy bén trong quản trị của Ban lãnh đạo, và bạn hoàn toàn có thể làm tương tự để so sánh với các doanh nghiệp đối thủ.

Nếu Ban lãnh đạo thực sự quản trị doanh nghiệp hiệu quả, thì việc đánh giá xu hướng nguyên vật liệu đầu vào sẽ thực sự chính xác, hoặc họ sẽ có những chiến lược phù hợp để giảm thiểu rủi ro đối với giá nguyên vật liệu thay vì đánh cược vào xu hướng của nó.


6. Tỷ lệ chuyển hóa tài sản (Asset turnover ratio)

Tỷ lệ Asset turnover sẽ giúp bạn trả lời

Một đồng tài sản của doanh nghiệp có thể chuyển hóa thành bao nhiêu đồng doanh thu trong kỳ?

Warren Buffett cực kỳ thích những doanh nghiệp có tỷ lệ Asset turnover cao.

Những doanh nghiệp này theo ông là những doanh nghiệp tuyệt vời, có thể tạo ra dòng tiền tăng trưởng cho cổ đông mà không phải đầu tư liên tục tài sản quá nhiều.

Ví dụ:

Đánh giá 2 doanh nghiệp A và B trong cùng 1 ngành nghề, cùng quy mô về tài sản nhưng tỷ lệ Asset turnover của A cao hơn B rất nhiều => doanh thu của A lớn hơn so với B (vì tài sản bằng nhau).

Mà:

Doanh thu = Sản lượng bán ra (tiêu thụ) x Giá bán

Vậy tỷ lệ Asset turnover chênh lệch nhau nói lên điều gì?

  • Hoặc sản lượng của A lớn hơn sản lượng của B.

  • Hoặc giá bán của A lớn hơn giá bán của B.

  • Hoặc là cả 2 điều trên.

Dù lý do là gì thì rõ ràng A đang có 1 lợi thế cạnh tranh đặc biệt mà B không có được.

A không cần phải cạnh tranh với B về giá mà vẫn bán được nhiều sản lượng hơn.


7. Tỷ lệ Tài sản vô hình trên Giá trị sổ sách (Intangibles to Book value ratio)

Trừ trường hợp doanh nghiệp có đặc thù kinh doanh nắm giữ các bằng sáng chế, quyền sử dụng đất có giá trị, hoặc sở hữu 1 nhãn hiệu, thương hiệu lớn với đầy đủ khả năng (bằng chứng) để có thể đánh giá, tôi luôn kỳ vọng tỷ lệ tài sản vô hình trên giá trị sổ sách sẽ không quá cao.

Về cơ bản, giá trị của 1 doanh nghiệp được cấu trúc bao gồm:

  • Giá trị của tài sản hữu hình

  • Giá trị của tài sản vô hình

  • Giá trị của lợi nhuận (dòng tiền) ổn định tạo ra trong tương lai từ những tài sản hiện có

  • Giá trị của lợi thế cạnh tranh (bao gồm giá trị thương hiệu)

  • Giá trị của tăng trưởng (giá trị của dòng tiền thặng dư nếu doanh nghiệp tạo ra tỷ suất lợi nhuận cao hơn chi phí vốn)

Phần lớn giá trị của doanh nghiệp (số 3, 4, 5) được tạo ra từ nền tảng tài sản của doanh nghiệp (số 1 và 2).

Trong khi đó, giá trị của tài sản vô hình lại rất khó đánh giá, ước lượng và không đảm bảo 1 sự bền vững.

Sự thay đổi của công nghệ và các mô hình kinh doanh mới có thể làm phá vỡ nhanh chóng những lợi thế cạnh tranh hiện tại của doanh nghiệp và khi đó giá trị tài sản vô hình của doanh nghiệp sẽ nhanh chóng biến mất.


Khi bạn đầu tư vào 1 cổ phiếu nào đó, hãy tự đặt cho mình câu hỏi:

Mình đang trả tiền cho giá trị nào của doanh nghiệp, tài sản hữu hình, tài sản vô hình, lợi nhuận trong tương lai, lợi thế cạnh tranh, hay sự tăng trưởng của doanh nghiệp?

Khi bạn trả giá càng thấp cho những giá trị này thì bạn đã nắm được nhiều cơ hội hơn để thành công với khoản đầu tư rồi, phải không?


Cuối cùng, tôi muốn nói với bạn 1 điều rất quan trọng sau đây.

Mỗi chỉ số, tỷ lệ chỉ đơn giản là 1 con số, nhưng nếu bạn biết kết hợp chúng lại, đào sâu suy nghĩ và kết hợp các yếu tố định tính, thì tôi tin rằng bạn đã thành công được khoảng 60-70% trong việc đầu tư.

Đơn giản là vì bạn đã loại bỏ được những doanh nghiệp lởm, cổ phiếu rác ra khỏi danh mục của mình.

Khi đó, chưa cần bạn phải là 1 chuyên gia phân tích, định giá về cổ phiếu, bạn cũng đã dành được lợi thế để chiến thắng trong “trò chơi chứng khoán”.

Nguồn tham khảo: GoValue





Комментарии


bottom of page