top of page

Cách đọc bảng giá chứng khoán cho người mới (NHANH NHẤT)

Updated: Jun 27, 2023

Cách đọc Bảng giá chứng khoán để nắm bắt tình hình giao dịch của các cổ phiếu


1. Cột “Mã CK” (Mã chứng khoán):

Là danh sách các mã chứng khoán giao dịch (được sắp xếp theo thứ tự từ A – Z). Mỗi công ty niêm yết đều được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp 1 mã chứng khoán riêng (thông thường là tên viết tắt của công ty đó).

Muốn tìm Mã giao dịch của công ty niêm yết nào, bạn chỉ việc Nhập mã chứng khoán của công ty vào ô “Nhập mã CK”


2. Cột “TC“ (Giá Tham chiếu – Màu vàng)

Là mức giá đóng cửa tại phiên giao dịch gần nhất trước đó (trừ các trường hợp đặc biệt). Giá tham chiếu được lấy làm cơ sở để tính toán Giá trần và Giá sàn.

Riêng sàn UPCOM, Giá tham chiếu được tính bằng Giá bình quân của phiên giao dịch gần nhất.


3. Cột “Trần” (Giá Trần – Màu tím)

Mức giá cao nhất mà bạn có thể đặt lệnh mua hoặc bán chứng khoán trong ngày giao dịch.

  • Tại Sàn HOSE, Giá trần là mức giá tăng +7% so với Giá tham chiếu.

  • Sàn HNX, Giá trần là mức giá tăng +10% so với Giá tham chiếu.

  • Sàn UPCOM sẽ là mức tăng +15% so với Giá bình quân phiên giao dịch liền trước.

4. Cột “Sàn” (Giá Sàn – Màu xanh lam)

Mức giá thấp nhất mà bạn có thể đặt lệnh mua hoặc bán chứng khoán trong ngày giao dịch.

  • Tại sàn HOSE, Giá sàn là mức giá giảm -7% so với Giá tham chiếu;

  • Sàn HNX, Giá sàn là mức giá giảm -10% so với Giá tham chiếu;

  • Sàn UPCOM sẽ là mức giảm -15% so với Giá bình quân phiên giao dịch liền trước.

Như vậy, sàn HOSE, giá chứng khoán sẽ dao động trong biên độ ±7% so với mức Giá tham chiếu; tại sàn HNX, giá chứng khoán sẽ dao động trong biên độ ±10% và sàn UPCOM là ±15%. Và bạn chỉ được phép đặt giá mua / giá bán nằm trong khoảng (giá sàn, giá trần). Nếu đặt giá ngoài biên dao động này, lệnh sẽ không được khớp.

Lưu ý:

– Màu xanh: là mức giá cao hơn Giá tham chiếu, nhưng không phải là Giá trần

– Màu đỏ: là mức giá thấp hơn Giá tham chiếu, nhưng không phải là Giá sàn


5. Cột “Tổng KL” (Tổng khối lượng)

Khối lượng cổ phiếu được giao dịch trong một ngày giao dịch. Cột này cho bạn biết được tính thanh khoản của cổ phiếu.


6. Cột “Bên mua”

Hệ thống hiển thị 03 mức giá đặt mua tốt nhất (giá đặt mua cao nhất) và khối lượng đặt mua tương ứng. Trong đó:

  • Cột “Giá 1” và “KL 1”: Biểu thị mức giá đặt mua cao nhất hiện tại và khối lượng đặt mua tương ứng. Lệnh đặt mua ở Giá 1 luôn được ưu tiên thực hiện trước so với những lệnh đặt mua khác.

  • Cột “Giá 2” và “KL 2”: Biểu thị mức giá đặt mua cao thứ hai hiện tại và khối lượng đặt mua tương ứng. Lệnh đặt mua ở Giá 2 có độ ưu tiên chỉ sau lệnh đặt mua ở mức Giá 1.

  • Tương tự, cột “Giá 3” và “ KL 3” là lệnh đặt mua có mức độ ưu tiên sau lệnh đặt mua ở mức Giá 2.

7. Cột “Bên bán”

Hệ thống hiển thị 03 mức giá chào bán tốt nhất (giá chào bán thấp nhất) và khối lượng chào bán tương ứng. Trong đó:

  • Cột “Giá 1” và “KL 1”: Biểu thị mức giá chào bán thấp nhất hiện tại và khối lượng chào bán tương ứng. Lệnh chào bán ở Giá 1 luôn được ưu tiên thực hiện trước so với những lệnh chào bán khác.

  • Cột “Giá 2” và “KL 2”: Biểu thị mức giá chào bán cao thứ hai hiện tại và khối lượng chào bán tương ứng. Lệnh chào bán ở Giá 2 có độ ưu tiên chỉ sau lệnh chào bán ở mức Giá 1.

  • Tương tự, cột “Giá 3” và “ KL 3” là lệnh chào bán có mức độ ưu tiên sau lệnh chào bán ở mức Giá 2.

Lưu ý:

+ Ngoài 03 mức Giá mua / Giá bán trên, thị trường vẫn còn các mức Giá mua / Giá bán khác, nhưng không được hiển thị (do không tốt bằng ba mức giá trên màn hình).

+ Khi có lệnh ATO hoặc ATC, thì các lệnh này sẽ hiển thị ở vị trí cột “Giá 1” và “KL 1” của “Bên mua” và “Bên bán”


8. Cột “Khớp lệnh”

Là hệ thống cột bao gồm các cột “Giá”, “KL”, “+/-“. Trong thời gian giao dịch, ý nghĩa của các cột như sau:

  • Cột “Giá”: Mức giá khớp trong phiên hoặc cuối ngày

  • Cột “KL” (Khối lượng khớp): Khối lượng cổ phiếu khớp tương ứng với mức giá khớp

  • Cột “+/-“ (Tăng/Giảm giá): là mức thay đổi giá sao với Giá tham chiếu

9. Cột “Giá”

Là hệ thống cột bao gồm các cột “Giá cao nhất”, “Giá thấp nhất” và “Giá TB”

  • Giá cao nhất: Mức giá khớp cao nhất từ đầu phiên giao dịch đến thời điểm hiện tại.

  • Giá thấp nhất: Mức giá khớp thấp nhất từ đầu phiên giao dịch đến thời điểm hiện tại.

–> Bạn sẽ biết được giá cổ phiếu thay đổi như thế nào trong phiên giao dịch.


10. Cột “Dư mua / Dư bán

  • Tại phiên Khớp lệnh liên tục: Dư mua / Dư bán biểu thị khối lượng cổ phiếu đang chờ khớp.

  • Kết thúc ngày giao dịch: Cột “Dư mua / Dư bán” biểu thị khối lượng cổ phiếu không được thực hiện trong ngày giao dịch

11. Cột “ĐTNN” (Đầu tư nước ngoài):

Là khối lượng cổ phiếu được giao dịch của Nhà đầu tư nước ngoài trong ngày giao dịch (gồm 2 cột Mua và Bán)

  • Cột “Mua”: Số lượng cổ phiếu Nhà đầu tư nước ngoài đặt mua.

  • Cột “Bán”: Số lượng cổ phiếu Nhà đầu tư nước ngoài đặt bán.

12. Vùng thông tin Chỉ số thị trường (hàng trên cùng)

Trong đó:

  • Chỉ số VN-Index: là chỉ số thể hiện xu hướng biến động giá của tất cả các cổ phiếu niêm yết và giao dịch tại Sở GDCK Hồ Chí Minh (HOSE)

  • Chỉ số VN30-Index: là chỉ số giá của 30 công ty niêm yết trên sàn HOSE có giá trị vốn hóa và thanh khoản hàng đầu, đáp ứng được tiêu chí sàng lọc

  • Chỉ số VNX AllShare: là chỉ số chung thể hiện sự biến động của tất cả giá cổ phiếu đang niêm yết trên Sở GDCK Hồ Chí Minh (HOSE) và Sở GDCK Hà Nội (HNX).

  • Chỉ số HNX-Index: chỉ số được tính toán dựa trên biến động giá cả tất cả các cổ phiếu niêm yết và giao dịch tại Sở GDCK Hà Nội (HNX)

  • Tương tự cho các chỉ số còn lại…

 

Cách đọc bảng giá chứng khoán để đánh giá sơ bộ tình hình thị trường chứng khoán

Phần lớn các mã cổ phiếu biến động tăng/giảm cùng với biến động của thị trường. Khi thị trường chung tốt, đa số các mã cổ phiếu sẽ tăng; và ngược lại, khi thị trường chung xấu, đa số các mã cổ phiếu sẽ giảm.

Để nắm bắt biến động thị trường, bạn có thể đánh giá thông qua các chỉ số thị trường (chỉ số Index). Chỉ số này được tính toán dựa trên biến động tăng/giảm giá, vốn hóa của các cổ phiếu được cho vào rổ tính toán.

Trong các chỉ số trên, thì VN-Index được sử dụng phổ biến và rộng rãi nhất. Bởi các mã chứng khoán trên sàn HOSE có mức vốn hóa lớn và thu hút nhiều ánh mắt của nhà đầu tư.

Ví dụ về chỉ số VN-Index:

  • Đầu tiên là đồ thị thể hiện diễn biến của chỉ số VN-Index theo thời gian giao dịch.

  • Tại thời điểm của bài viết, VN-Index đạt 915.12 điểm, giảm 2,39 điểm (tương ứng với mức giảm 0,26% – so với mức tham chiếu của chỉ số).

  • Khối lượng cổ phiếu khớp trên sàn HOSE là 119.905.476 cố phiếu; Giá trị giao dịch đạt 2.737.146 tỷ đồng.

  • Toàn sàn HOSE có 131 mã tăng (trong đó 8 mã tăng trần), 58 mã đứng giá (bằng giá tham chiếu) và 145 mã giảm (trong đó 11 mã giảm sàn).

  • Thị trường đang ở trạng thái Đóng cửa.

Từ các thông tin trên, bạn có thể nhận định thị trường hiện tại đang giảm. Tâm lý nhà đầu tư vẫn còn nghi ngờ, đà lan tỏa tăng hoặc giảm chưa rõ nét (vì số mã tăng, số mã giảm gần như cân bằng)

Chú ý, khi xem xét thị trường chung thông qua các chỉ số (Index), bạn có thể để ý đến những biến động lớn của chỉ số (như điểm số tăng/giảm trên 1%, hoặc hơn), kèm theo đó là khối lượng giao dịch lớn hơn so với ngày thường:

  • Nếu số lượng mã tăng giá ít, số lượng mã giảm giá nhiều, nhưng điểm số thị trường tăng, sẽ xảy ra hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng”. Tức là chỉ số tăng bởi một số mã vốn hóa lớn. Thị trường chung lúc này chưa thể coi là lạc quan.

  • Nếu số lượng mã tăng giá nhiều, số lượng mã giảm giá ít, nhưng điểm số thị trường giảm. Thị trường chung lúc này có thể coi là lạc quan.

  • Thị trường tăng giá, kèm theo số lượng mã tăng giá áp đảo số lượng mã giảm giá: thị trường tương đối tốt, các nhà đầu tư có thể bắt đầu mua cổ phiếu mình quan tâm.

  • Thị trường giảm giá, kèm theo số lượng mã giảm giá áp đảo số lượng mã tăng giá: thị trường đang bi quan, các nhà đầu tư nên bán bớt cổ phiếu.

 

Những vấn đề khác cần biết

Giá trần và giá sàn là gì?

Đây là mức giá tối đa (giá trần) và giá tối thiểu (giá sàn) cho phép được mua/bán trong phiên giao dịch ngày hôm đó.

Quy định về giá trần và giá sàn ở mỗi sàn là khác nhau.

Đối với sàn HOSE, giá trần và giá sàn được tính +- 7% so với giá tham chiếu. Hay +-7% là biên giao dịch tối đa cho phép ở sàn HOSE.

Còn với sàn HNX, con số này là +-10%.

Ví dụ:

CP AAA ở sàn HOSE có giá tham chiếu là 18.25.

Khi đó giá trần là: 18.25 x (1 + 7%) = 19.5275, làm tròn là 19.5. Giá sàn là: 18.25 x (1 – 7%) = 16.9725, làm tròn là 17.0.


Thông tin quan trọng khác?

Có 2 thông tin rất quan trọng khác trên bảng giá mà bạn cần để ý bao gồm…

…chỉ số thị trường và thông tin giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN).

Chỉ số thị trường

Chỉ số thị trường giúp bạn có góc nhìn tổng quan về toàn bộ thị trường. Cả thị trường đang tăng hay giảm, khối lượng giao dịch, giá trị giao dịch như thế nào.

Các chỉ số thông dụng như ví dụ bảng giá ở trên bao gồm:

  • VN-Index: đây là chỉ số tập hợp tất cả CP giao dịch trên sàn HOSE

  • VN30-Index: đây là chỉ số tập hợp 30 CP lớn nhất (thông thường được tính theo vốn hóa thị trường) giao dịch trên sàn HOSE

  • VNXAllshare: đây là chỉ số tổng hợp tất cả CP giao dịch trên cả 2 sàn HOSE và HNX

  • HNX-Index: đây là chỉ số tập hợp tất cả CP giao dịch trên sàn HNX

  • HNX30-Index: chỉ số tập hợp 30 CP lớn nhất (thông thường được tính theo vốn hóa thị trường) giao dịch trên sàn HNX

  • UPCOM: đây là chỉ số tập hợp tất cả CP giao dịch trên sàn UPCOM

Giao dịch của NĐTNN

Đây là thông tin rất quan trọng mà bạn cần quan sát trên bảng giá.

Ở một thị trường nhỏ như Việt Nam, dòng tiền từ NĐTNN ảnh hưởng rất lớn đến biến động giá cổ phiếu. Vì thế bạn nên chú ý đến hoạt động mua/bán của NĐTNN đối với cổ phiếu mà bạn đang quan sát hoặc nắm giữ.

Nếu bạn thấy cổ phiếu đó được NĐTNN mua vào với khối lượng lớn liên tục trong nhiều ngày, có vẻ đó là 1 dấu hiệu tích cực. Ngược lại, nếu NĐTNN liên tục bán, hãy cẩn thận và tìm hiểu kỹ xem điều gì đang xảy ra.


Nguồn: GoValue

Comments


bottom of page