top of page

5 câu hỏi giúp đánh giá ban lãnh đạo trong doanh nghiệp

Updated: Aug 28, 2023

Warren Buffet tin rằng đánh giá chất lượng ban lãnh đạo là một trong những tiêu chí quan trọng nhất khi ra quyết định đầu tư, thậm chí nó còn quan trọng hơn các chỉ số tài chính và giá trị thực của doanh nghiệp.

Ông chỉ mua doanh nghiệp khi ông tin tưởng vào ban lãnh đạo hiện tại, tin vào cách thức vận hành hiện có của doanh nghiệp đó.

Nếu không…

…ông sẽ tìm kiếm cơ hội ở những nơi khác.

Sẽ dễ dàng hơn để ngủ ngon mỗi đêm nếu bạn tin tưởng vào những người bạn làm việc cùng

Với Buffet, chỉ đơn giản là con người mới là điều quan trọng nhất.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ…

Với một nhà đầu tư cá nhân thiếu kinh nghiệm tiếp xúc con người, tham gia vào chốn thương trường đầy cạn bẫy như thị trường chứng khoán…

…thì việc có thể đánh giá ban lãnh đạo là điều không hề đơn giản.

Rõ ràng bạn không thể đánh giá ban lãnh đạo bằng cách chỉ xem qua báo cáo tài chính của doanh nghiệp được.

Vậy làm thế nào để có thể đánh giá ban lãnh đạo một cách chính xác nhất???

Đây sẽ là nội dung quan trọng nhất được đề cập đến trong bài viết này.

Nhưng trước tiên, hãy cùng tìm hiểu khái niệm cơ bản về Ban lãnh đạo.

Ban lãnh đạo họ là ai?

Ban lãnh đạo – Họ là ai?

Ban lãnh đạo là những người đứng đầu doanh nghiệp, là người đưa ra các quyết định quan trọng (cuối cùng) cho hoạt động của doanh nghiệp.

Ở một doanh nghiệp, ban lãnh đạo sẽ bao gồm:

  • Hội đồng quản trị

  • Ban giám đốc

  • Ban kiểm soát

Ban lãnh đạo giỏi sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ có được sản phẩm tốt mà còn nắm bắt kịp thời những cơ hội đầu tư; ngược lại ban lãnh đạo yếu kém không những làm mất đi cơ hội đầu tư hấp dẫn, mà còn có thể khiến sản phẩm tốt thất bại trên thị trường.


5 câu hỏi giúp lựa chọn một Ban lãnh đạo tuyệt vời

Hãy nhớ rằng…

Không có 1 công thức kỳ diệu nào có thể giúp bạn đánh giá chuẩn xác được ban lãnh đạo, nhưng dưới đây là 5 câu hỏi giúp bạn có thể đánh giá ban lãnh đạo 1 cách chính xác nhất!!!

#1. Ban lãnh đạo có sở hữu “phần lớn”

doanh nghiệp họ đang điều hành?

Ngoại trừ nhóm doanh nghiệp nhà nước, ban lãnh đạo chỉ đại diện cho phần vốn góp của Nhà nước vào doanh nghiệp…

…thì ở các doanh nghiệp khác, bạn cần xem xem liệu các lãnh đạo cấp cao có đang nắm giữ (đáng kể) cổ phần tại doanh nghiệp mà họ đang điều hành hay không?

Buffet thậm chí còn nghi ngờ những CEO được thưởng 1 lượng quyền chọn mua cổ phiếu lớn, nhưng chỉ nắm giữ 1 lượng cổ phiếu rất nhỏ.

Bởi khi đó, lợi ích của họ sẽ gắn chặt với lợi ích của doanh nghiệp. Thiệt hại mà họ mang đến cho cổ đông thì chính họ cũng sẽ gánh chịu với tỷ lệ tương đương.

Hiểu nôm na là:

We eat our own cooking

Bên cạnh đó, cũng nên tìm hiểu xem doanh nghiệp có cổ đông lớn là các tổ chức, quỹ đầu tư độc lập (không có dính dáng gì đến các thành viên ban lãnh đạo) hay không?

Đây được coi là đối trọng với nhóm cổ đông ban lãnh đạo, tránh việc tư lợi cá nhân.

Thậm chí, các tổ chức này càng có danh tiếng tốt, thì càng tốt!

Bạn có thể xem cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp trên các website tài chính

Hồ sơ doanh nghiệp Gemadept GMD
Giao diện Hồ sơ công ty trên FireAnt
Hồ sơ cổ đông Gemadept trên FireAnt
Giao diện Cổ đông trên FireAnt

Website của công ty chứng khoán; hoặc trong báo cáo thường niên của doanh nghiệp.

Nhiều nhà đầu tư, họ thậm chí còn đào sâu hơn. Họ không chỉ muốn biết có bao nhiêu tổ chức đang nắm giữ cổ phiếu doanh nghiệp, mà còn muốn biết xem liệu gần đây số lượng này có tăng thêm hay không?


#2. Ban lãnh đạo có kế hoạch gì để tăng trưởng?

Câu hỏi này sẽ giúp bạn đánh giá được cái “Tầm”, cái “Tài” của ban lãnh đạo.

Tăng trưởng bền vững luôn là một trong những thách thức lớn nhất cho bất cứ ai đứng đầu doanh nghiệp.

Để làm được điều đó…

Ban lãnh đạo cần có tầm nhìn chiến lược, phải nhìn thấy tiềm năng và cơ hội quan trọng mà ít người ngờ tới. Có như vậy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tăng trưởng thuận lợi thậm chí là vượt trội.

Làm thế nào để đánh giá sự tự tin (có cơ sở) của Ban lãnh đạo trong việc duy trì tầm nhìn chiến lược và giá trị dài hạn cho cổ đông?

Hãy xem kế hoạch kinh doanh, định hướng phát triển của doanh nghiệp. Chúng bao gồm:

  • Kế hoạch trong ngắn hạn (ví dụ như kế hoạch kinh doanh trong năm sau…)

  • Kế hoạch trong dài hạn (tầm nhìn từ 3 – 5 năm, hoặc hơn)

Khi đó, vị thế doanh nghiệp sẽ ở đâu? Giá trị của doanh nghiệp đạt được sẽ là gì?

Thậm chí, nếu doanh nghiệp đang trong giai đoạn thực hiện mục tiêu dài hạn, bạn có thể nhìn lại kết quả kinh doanh trong quá khứ (trước thời điểm thực hiện kế hoạch), đối chiếu với hiện tại để xem doanh nghiệp có thực sự đang tăng trưởng các giá trị dài hạn hay không?

…Hãy nhớ!

Mục tiêu phải là tạo ra sự tăng trưởng giá trị doanh nghiệp trên 1 cổ phiếu qua các năm, đặc biệt phải trên mức tăng trưởng của chỉ số trong dài hạn (chứ không phải lợi nhuận, quy mô hay doanh thu).

Song song với đó, khả năng thay đổi chiến thuật (hoặc kế hoạch) nhanh chóng khi doanh nghiệp có những dấu hiệu xấu cũng cần được quan tâm.

Bởi thị trường luôn luôn biến động và giới kinh doanh cũng không ngừng thay đổi, vì thế ban lãnh đạo cũng cần phải có sự linh hoạt để cân bằng và đối phó với những tình huống ngoài dự tính.


#3. Ban lãnh đạo có những giao dịch lớn với các bên có liên quan, với thành viên gia đình của ban lãnh đạo không?

Tình trạng ban lãnh đạo là người làm giá cổ phiếu (bắt tay với đội lái), đưa mức giá vượt qua giá trị kinh tế của doanh nghiệp đang rất phổ biến hiện nay.

Bằng mọi cách, họ chỉ muốn “dụ” những cổ đông ngắn hạn, tham lam, không hiểu gì về bản chất của doanh nghiệp để nhằm trục lợi cho mình.

Hay có những trường hợp, lãnh đạo doanh nghiệp thông qua truyền thông hô hào cổ đông mua cổ phiếu phát hành thêm, cam kết giá cổ phiếu sẽ sớm tăng mạnh với kết quả kinh doanh tuyệt vời, nhưng phía sau lại âm thầm bán ra, kéo giá cổ phiếu giảm sâu và sau đó chấp nhận các hình phạt của cơ quan quản lý vì giao dịch “chui”.

Tất nhiên, rõ ràng là mức phạt khiêm tốn này chẳng là gì so với lợi nhuận từ các giao dịch nội gián mang lại.

Bài học ở đây là:

Khi tham gia đầu tư, bạn phải thực sự hiểu mô hình kinh doanh của doanh nghiệp, rủi ro đi kèm…

…đồng thời với những doanh nghiệp có “tiếng xấu” tốt nhất nên tránh xa, mặc dù bạn có thể thấy giá cổ phiếu liên tục tăng và rất muốn trở thành một phần trong số đó.


#4. Lãnh đạo doanh nghiệp có trung thực, thẳng thắn,

công bằng và minh bạch?

Warren Buffett đã từng nói:

Khi tuyển người, tôi thường tìm kiếm các ứng viên có 3 phẩm chất sau: chính trực, thông minh và tràn đầy năng lượng. Và nếu không đạt tiêu chí đầu tiên thì hai cái sau sẽ phá hủy doanh nghiệp của bạn

Như vậy, rõ ràng sự chính trực là yêu cầu đầu tiên khi đánh giá một con người.

Ban lãnh đạo cần phải trung thực khi nói tới các vấn đề của doanh nghiệp, thẳn thắn chia sẻ với nhà đầu tư những mặt thuận lợi và khó khăn chung của ngành, bản chất mô hình doanh nghiệp, chính sách liên quan…

Việc giấu đi những điểm bất lợi và chỉ nói đến những điều tuyệt vời, là điểm chung của những doanh nghiệp xấu.

Bên cạnh đó, họ phải coi cổ đông như những đối tác, phải đối xử công bằng với cổ đông qua việc cung cấp thông tin chứ không nên ưu tiên những cổ đông lớn hay sân sau của mình.

Hãy xem doanh nghiệp bạn đang tìm hiểu:

  • Có trình bày đầy đủ, chi tiết các khoản mục trong thuyết minh Báo cáo tài chính không?

  • Có cập nhật báo cáo hoạt động kinh doanh hàng tháng trên website không?

  • Có từng điều chỉnh lớn số liệu sau khi công bố báo cáo tài chính hay không?

  • Ban lãnh đạo có khách quan và thẳng thắn với hiệu quả kinh doanh thể hiện trên các báo cáo và thông cáo báo chí không?

  • Ban lãnh đạo có trung thực, thẳng thắn chia sẻ với cổ đông trong Đại hội cổ đông hay không?

#5. Ban lãnh đạo có thực hiện đúng những lời hứa trong 10 năm gần nhất không?

Hãy tra lại các báo cáo thường niên để xem liệu ban lãnh đạo có thực hiện đúng lời hứa và kế hoạch mà họ đặt ra cách đây nhiều năm hay không?

Bởi làm lãnh đạo không phải là để nói những lời đao to búa lớn, mà cần phải hành động.

Vai trò lãnh đạo có thể bắt đầu từ việc đưa ra một tầm nhìn, nhưng việc thực hiện mục tiêu, tầm nhìn đó ra sao rốt cục mới định nghĩa thành công của một nhà lãnh đạo.

Thực tế, đôi lúc, vì nhiều lý do khác nhau, lời hứa đã không được thực hiện như mong đợi:

  • Kế hoạch kinh doanh vẫn có thể không đạt vì biến động kinh tế bất thường

  • Ngân sách đầu tư cần được điều chỉnh vì mục tiêu chiến lược cần phải thay đổi

  • Hay việc hợp tác với đối tác có thể hoãn lại vì trục trặc bất ngờ về tài chính…

Khi đó, cách giải quyết của ban lãnh đạo cũng sẽ giúp chúng ta đánh giá được rằng đây có phải là một nhà lãnh đạo thực thụ? (Như đã được nói đến ở phần #3).

 

Bottom line

Như vậy khi đánh giá một doanh nghiệp, ngoài việc chú ý đến các chỉ tiêu tài chính, thì yếu tố Ban lãnh đạo cũng là một phần rất quan trọng…

…nếu không thì các robot, hệ thống phân tích tự động… đã có thể giúp chúng ta tìm ra những cổ phiếu tuyệt vời rồi.

Hãy ghi nhớ những điều sau khi đánh giá về ban lãnh đạo của một doanh nghiệp:

  • Một doanh nghiệp không bao giờ mạnh hơn được người điều hành doanh nghiệp đó.

  • Hãy đọc về ban lãnh đạo doanh nghiệp mà bạn định đầu tư vào. Hãy tìm những quản lý cấp cao thông minh, cởi mở, trung thành và công bằng mà bạn có thể ngưỡng mộ.

  • Đừng sợ đặt con người lên trên lợi nhuận; Buffet có sợ đâu.

Comments


bottom of page