EPS là viết tắt của Thu nhập trên mỗi cổ phiếu (Earning per Share), hay phần lợi nhuận sau thuế trên mỗi cổ phiếu thường của các cổ đông, sau khi đã trừ đi cổ tức ưu đãi. Chỉ số EPS được các nhà phân tích sử dụng như một chỉ báo về khả năng sinh lợi của doanh nghiệp.
Công thức tính EPS
Để tính chỉ số EPS cơ bản của một doanh nghiệp, bạn sẽ cần đến bảng cân đối kế toán và báo cáo kết quả kinh doanh để thu nhặt các số liệu cần thiết sau:
Khối lượng cổ phiếu bình quân đang lưu hành.
Chi trả cổ tức ưu đãi (nếu có).
Lợi nhuận sau thuế.
Công thức tính EPS cơ bản như sau:
Bạn nên xem trước ví dụ dưới đây để tránh nhầm lẫn khi tính toán khối lượng cổ phiếu bình quân đang lưu hành:
KLCP bình quân cuối kỳ là 1.257.500 (cp), nhỏ hơn đáng kể với KLCP thực tế đang lưu hành là 1.530.000 (cp).
Sở dĩ phải tính theo cách này do lợi nhuận sau thuế là số lũy kế của 4 quý gần nhất.
Do đó để phản ánh chính xác lợi nhuận sinh ra trên mỗi cổ phần thì những thay đổi làm tăng/giảm khối lượng cổ phiếu chưa đủ 1 năm phải được điều chỉnh.
Tuy nhiên…
Trong thực tế vẫn có nhiều trường hợp đơn giản hóa việc tính toán, bằng cách sử dụng KLCP đang lưu hành ở thời điểm cuối kỳ, tuy nhiên chỉ nên áp dụng khi KLCP thay đổi trong kỳ là không đáng kể.
Ví dụ về cách tính chỉ số EPS
VD với cổ phiếu của CTCP Sữa Việt Nam (VNM) và CTCP Tập đoàn Thép Hòa Phát (HPG):
Với cổ phiếu VNM:
Lợi nhuận sau thuế 4 quý gần nhất: 10,295 tỷ đồng
KLCP bình quân đang lưu hành: 1.741 tỷ cổ phiếu.
Trong kỳ, VNM sử dụng 785 tỷ đồng trả cổ tức ưu đãi.
EPS (VNM) = (10,295 – 785) tỷ đồng/ 1.741 tỷ cổ phiếu = 5,463.4 (đồng/ cổ phiếu).
Với cổ phiếu HPG:
Lợi nhuận sau thuế 4 quý gần nhất: 8,015 tỷ đồng;
KLCP bình quân đang lưu hành: 2.124 tỷ cổ phiếu.
Trong kỳ, HPG không trả cổ tức ưu đãi.
EPS (HPG) = 8,015 tỷ đồng/ 2.124 tỷ cổ phiếu = 3,773.5 (đồng/ cổ phiếu).
Việc tính toán chỉ số EPS khá đơn giản, tuy nhiên điều quan trọng là bạn cần nắm được ý nghĩa cũng như cách sử dụng chỉ số EPS.
Chỉ số EPS được sử dụng như thế nào?
EPS là một chỉ số quan trọng trong hoạt động định giá cổ phiếu và là tiêu chí để đánh giá chất lượng tăng trưởng của doanh nghiệp qua các thời kỳ.
#1. Sử dụng EPS để xác định chỉ số P/E trong định giá
EPS là thành phần chính tạo nên chỉ số định giá P/E.
Bằng cách chia giá một cổ phần của công ty cho EPS của nó, một nhà đầu tư có thể thấy được giá trị của một cổ phiếu qua các kỳ, từ đó biết được thị trường sẵn sàng trả cho cổ phiếu ấy mức định giá là bao nhiêu.
Cụ thể:
Cổ phiếu CTD của CTCP Xây dựng Coteccons đang giao dịch với mức giá 143.400 đồng với EPS lũy kế là 19.260 (đồng/ cổ phiếu).
Do đó, tỷ lệ P/E đối với cổ phiếu CTD là: 143.400 (đồng)/ 19.260 (đồng/cổ phiếu) = 7.58
Điều đó có nghĩa…
Để có được 1 đồng lợi nhuận từ cổ phiếu, NĐT đang phải trả cho nó 7.58 đồng.
Từ đó bạn có thể so sánh chỉ số P/E qua các thời kỳ hoặc so sánh với P/E của các doanh nghiệp khác trong ngành để đánh giá một cách tương đối cổ phiếu đang đắt hay rẻ.
#2. Sử dụng EPS để đánh giá chất lượng tăng trưởng qua các thời kỳ
Để làm được điều này, trước hết bạn cần xác định được tỷ lệ tăng trưởng thu nhập trên cổ phiếu.
EPS Growth Rate % = (EPS1 – EPS0)/EPS0
Tỷ lệ tăng trưởng thu nhập trên cổ phiếu được sử dụng trong đánh giá thị giá của doanh nghiệp, tỷ lệ này cao thì doanh nghiệp cũng được đánh giá cao.
Những doanh nghiệp có mức tăng trưởng thu nhập trên cổ phiếu ổn định ở mức cao luôn được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.
Ví dụ:
Trên đây là biểu đồ so sánh giữa EPS và tỷ lệ tăng trưởng EPS của CTD qua các thời kỳ trong giai đoạn 2013 – 2018.
Bạn sẽ dễ dàng thấy tỷ lệ tăng trưởng EPS của CTD trong giai đoạn 2014 – 2016 là rất cao, trên mức 27%. Trong giai đoạn này giá cổ phiếu CTD có sự tăng trưởng mạnh mẽ do được các nhà đầu tư đánh giá cao.
Tuy nhiên…
Bắt đầu từ năm 2017, EPS đã chững lại và có dấu hiệu suy giảm.
Trong giai đoạn này, thị trường bất động sản Việt Nam bão hòa dẫn đến CTD đã gặp khó trong việc tăng trưởng kết quả kinh doanh.
Đồng thời giá cổ phiếu trên thị trường cũng phản ánh rõ sự sụt giảm này.
Nhờ đó, chỉ với những quan sát đơn giản qua chỉ tỷ lệ EPS Growth Rate bạn có thể dễ dàng đánh giá xu hướng tăng trưởng của doanh nghiệp ở hiện tại cũng như trong tương lai.
Điều chỉnh EPS thế nào khi có dấu hiệu bị bóp méo?
Trong thực tế, do tính phổ biến của chỉ số này, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng các thủ thuật tài chính nhằm thổi phồng lợi nhuận và tác động đến các chỉ số định giá.
Có 2 trường hợp điển hình, giúp bạn nhận biết và có điều chỉnh phù hợp trong các định giá của mình:
EPS không bao gồm các khoản mục bất thường
Bạn tưởng tượng một công ty đang sở hữu 4% cổ phần tại công ty khác. Gần đây, giá cổ phiếu này tăng lên 200% so với thời điểm công ty mua vào.
Ban lãnh đạo đã quyết định bán toàn bộ lượng cổ phiếu. Giao dịch này đem về một khoản thu nhập lớn cho doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, khoản thu nhập này được xem là bất thường, không có gì đảm bảo trong tương lai công ty sẽ lại có một khoản thu nhập như vậy.
Nhà đầu tư nên thận trọng, loại bỏ các khoản thu nhập bất thường khi tính toán chỉ số EPS.
Khi đó EPS được điều chỉnh lại theo công thức sau:
EPS chỉ bao gồm thu nhập từ hoạt động kinh doanh cốt lõi còn tiếp diễn
Bạn đang sở hữu cổ phiếu một doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu, với chuỗi cửa hàng rộng khắp hơn 1.500 điểm với EPS là 5.500 đồng.
Tuy nhiên, thị trường bán lẻ bắt đầu có những dấu hiệu bão hòa và ảnh hưởng cạnh tranh từ thương mại điện tử.
Nhằm tiết giảm chi phí, ban lãnh đạo công ty quyết định đóng cửa 300 cửa hàng thua lỗ, đồng thời bán lại toàn bộ mặt bằng cho một đối tác khác.
Quyết định đóng cửa 300 cửa hàng đã mang về cho doanh nghiệp khoản lợi nhuận đáng kể trong kỳ.
Về mặt lý thuyết, EPS đã tăng từ 5.500 đồng ở kỳ trước lên 6.800 đồng.
Tuy nhiên có 2 điểm nhà đầu tư phải thực sự lưu ý:
Đây là khoản thu nhập bất thường không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Doanh nghiệp sẽ chỉ hoạt động với 1.200 cửa hàng trong các kỳ tới thay vì 1.500 cửa hàng như trước đây.
Do đó, việc tính toán EPS cần điều chỉnh lại theo công thức sau
EPS cơ bản và EPS pha loãng
Chỉ số EPS gồm 2 loại là: EPS cơ bản và EPS pha loãng.
EPS cơ bản là khái niệm đã được giới thiệu ở phần mở đầu.
EPS pha loãng (Dilluted EPS) là chỉ số bổ sung nhằm điều chỉnh rủi ro pha loãng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu do doanh nghiệp phát hành trái phiếu chuyển đổi, cổ phiếu ưu đãi, quyền mua cổ phiếu, ESOP…
Chỉ số này có độ chính xác cao hơn EPS cơ bản, do nó đã phản ánh các sự kiện có thể làm thay đổi khối lượng cổ phiếu trong tương lai.
Tải ngay BCTC Kiểm toán năm 2016 của CTCP Tập đoàn Vingroup để tham khảo EPS pha loãng tại đây.
Lời kết
EPS là một trong những chỉ số phân tích nhanh được sử dụng phổ biến khi đánh giá cổ phiếu trên thị trường.
Tuy nhiên…
Trong nhiều trường hợp chỉ số này vẫn bộc lộ một vài điểm hạn chế như:
Lợi nhuận lũy kế có thể âm nên khi kết hợp để tính chỉ số P/E sẽ không còn ý nghĩa. Trường hợp này bạn có thể sử dụng chỉ số P/B để thay thế.
Chỉ số EPS chỉ đơn thuần phản ánh giá trị tuyệt đối của lợi nhuận trên mỗi cổ phần. Do đó nó không phản ánh đầy đủ chất lượng lợi nhuận của doanh nghiệp cũng như chất lượng báo cáo tài chính.
Điều quan trọng bạn cần hiểu được ưu nhược điểm của chỉ số EPS và cách áp dụng sao cho hợp lý.
Nguồn: Tuấn Trần - GoValue
Comments