Một trong những nguyên nhân Nhật Bản trở nên giàu có như hiện nay chính nhờ đức tính tiết kiệm.
Vốn dĩ Nhật Bản là một đất nước khan hiếm tài nguyên thiên nhiên. Không có nhiều điều kiện phát triển. Nên người dân nơi đây đã hình thành truyền thống tiết kiệm từ sớm, truyền đời này qua đời khác.
Ngày nay người dân Nhật Bản tiết kiệm không phải vì thiếu thốn mà vì họ trân trọng và muốn sử dụng một cách hiệu quả những gì mình đang có, hy vọng vào một cuộc sống có ích, an toàn.
Nếu bạn sớm theo được tư tưởng và phương pháp tiết kiệm của người Nhật, việc trở nên giàu có sẽ không còn quá khó khăn với bạn.
Vậy rốt cuộc người Nhật đã tiết kiệm như thế nào?
Tiết kiệm trong chi tiêu hàng ngày
Trong chi tiêu hàng ngày, người Nhật tiết kiệm từ ăn mặc, công việc đến vui chơi, mua sắm… Tất cả đều được tiết kiệm một cách triệt để.
Giảm thiểu những thứ không cần thiết
Nếu đã có cơ hội được ăn một bữa tại một hộ gia đình Nhật bất kỳ nào đó, bạn sẽ thấy sự khác biệt rất rõ rệt so với bữa ăn ở Việt Nam.
Mỗi người sẽ có một khẩu phần riêng và mỗi món ăn trong khẩu phần ăn được chế biến vừa đủ ăn, chứ không làm cả đĩa lớn. Với cách này, họ có thể tránh được tình trạng bỏ thừa và lãng phí thức ăn.
Không chỉ với đồ ăn, về cách bố trí đồ đạc trong nhà của người Nhật cũng rất khác.
Hầu hết các đồ dùng trong nhà đều có kích thước nhỏ, phù hợp với căn hộ, không có đồ thừa.
Đồ gia dụng, đồ điện tử họ giữ gìn rất cẩn thận, để dùng được trong thời gian dài, hạn chế phải thay đổi nhiều.
Bạn nên noi theo người Nhật và xem lại đồ dùng, để ý cách ăn uống hàng ngày.
Nếu như bạn vẫn đang bỏ thừa đồ ăn mỗi ngày, hãy nấu ít đi, chỉ nấu vừa đủ ăn.
Nếu như bạn có nhiều đồ thừa thãi không sử dụng đến, hãy tìm cách bỏ bớt đi để làm thoáng không gian sống của bạn.
Đừng quên giữ gìn đồ đạc cẩn thận để kéo dài tuổi thọ của chúng, bớt đi chi phí thay đổi đồ mới.
Tiết kiệm trong chi tiêu gia đình
Trong cuộc sống hàng ngày, người Nhật thường có xu hướng tự làm mọi việc, trừ khi có những việc họ không thể làm được.
Họ hiếm khi thuê người giúp việc hay dọn dẹp nhà cửa như ở Việt Nam. Chỉ khi bất đắc dĩ họ mới cần đến.
Trong mua sắm, họ cũng khá để tâm đến các chương trình khuyến mãi, giảm giá để mua được rẻ nhất có thể.
Những cách tiết kiệm trong chi tiêu này rất dễ để áp dụng. Bạn hãy khiến nó trở thành thói quen để tiết kiệm được nhiều hơn.
Sử dụng phương tiện công cộng
Hẳn bạn cũng biết nhắc đến Nhật Bản, người ta sẽ nghĩ ngay đến tàu điện ngầm – phương tiện giao thông phổ biến nhất ở đây.
Người dân Nhật Bản chủ yếu đi bộ đến các ga tàu điện ngầm và sử dụng tàu điện làm phương tiện di chuyển chính để tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, với những lúc cần di chuyển trong phạm vi gần, người Nhật lựa chọn xe đạp thay vì xe máy hay ô tô.
Tại sao vậy?
Bởi dùng xe đạp sẽ giúp họ tiết kiệm những chi phí dành cho sửa chữa và bảo dưỡng hơn nhiều so với các loại xe khác. Cũng chính bởi vậy mà họ luôn giữ gìn xe của mình rất cẩn thận, có khi dùng lâu nhưng chẳng khác xe mới là bao.
Tuy ở Việt Nam chưa có tàu điện ngầm, nhưng phương tiện công cộng cũng không phải là hiếm. Hãy thử chuyển sang đi xe bus một thời gian thử xem, bạn sẽ thấy mình tiết kiệm được một phần đáng kể đấy.
Tiết kiệm tiền bạc
Có thể bạn chưa biết, người Nhật có xu hướng gửi tiết kiệm ngân hàng lên đến 17-20% thu nhập của mình, hiện là tỷ lệ cao nhất thế giới.
Cũng chính nhờ nguồn tiết kiệm này của người dân, chính phủ Nhật có thể dùng làm nguồn vốn quan trọng để nền kinh tế quốc gia được tái đầu tư và phát triển. Trong tiết kiệm tiền, họ luôn đặt ra những mục tiêu cụ thể để tiết kiệm. Người Nhật còn có thói quen dùng tiền mặt thay vì dùng thẻ mặc dù công nghệ của họ tiên tiến hơn nhiều so với các nước khác.
Đặc biệt với những đồng tiền lẻ, họ sẽ bỏ chúng vào lợn và tiêu dần cho những khoản lặt vặt.
Tiết kiệm thời gian
Đối với người Nhật, thời gian còn quý hơn vàng bạc.
Vì vậy, trong công việc họ rất nghiêm túc “chơi ra chơi, làm ra làm”, để không lãng phí thời gian vào những việc khác.
Cũng chính bởi vậy mà người Nhật làm việc lúc nào cũng rất năng suất. Hiệu quả làm việc của họ cũng cao hơn so với người dân các nước khác trong cùng một khoảng thời gian. Ngoài ra, người Nhật còn sử dụng các phát minh khoa học hiện đại, tiên tiến để áp dụng vào công việc.
Nhờ vậy nâng cao hiệu suất lao động mà lại tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức.
Cũng chính vì nếp sống gấp gáp của người dân nơi đây mà các phương tiện cao tốc ra đời, để tiết kiệm tối đa thời gian di chuyển.
Bản thân việc tiết kiệm thời gian cũng là một cách hiệu quả để tiết kiệm tiền bạc. Chính vì thế bạn nên hình thành ý thức tiết kiệm thời gian, làm thế nào sử dụng khoảng thời gian trong ngày sao cho đạt hiệu quả tối đa nhất.
Tiết kiệm năng lượng
Người Nhật luôn biết cách sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm nhất có thể.
Ví dụ như khi trời lạnh, họ chỉ dùng máy sưởi tại những phòng có người ở hoặc những khu vực có người sinh hoạt.
Tương tự với mùa hè nóng cần sử dụng điều hòa cũng vậy. Họ còn có thói quen tắt bớt khi phòng đủ mát và tắt khi ra khỏi phòng quá lâu.
Với những việc tưởng chừng như hết sức đơn giản như vậy lại không hề dễ.
Người Việt ta thậm chí đa số còn để máy lạnh qua đêm, rất tốn điện mà lại hại sức khỏe.
Vì thế hãy có ý thức hơn trong việc tiết kiệm năng lượng, ở đây cụ thể gần gũi nhất với chúng ta là tiết kiệm điện.
Điều này không chỉ giúp bạn tiết kiệm tiền của mà còn góp phần bảo vệ môi trường.
Phương pháp Kakeibo
Có thể bạn mới lần đầu nghe đến cái tên này nhưng phương pháp có tuổi đời hơn 100 năm bắt nguồn từ Nhật này đã rất nổi tiếng và được áp dụng rộng rãi ở châu Âu.
Vậy phương pháp này là gì mà lại có sức ảnh hưởng lớn đến vậy?
Kakeibo là gì?
Kakeibo trong tiếng Nhật có nghĩa là một cuốn nhật ký thu chi (được phát âm là “kah-keh-boh”). Trong cuốn nhật ký này, chúng ta sẽ ghi chép các khoản thu nhập và các khoản chi tiêu, với mục đích chính là tiết kiệm.
Kakeibo xuất hiện lần đầu vào năm 1904. (Theo cuốn “Kakeibo: Nghệ thuật tiết kiệm của người Nhật” của Fumiko Chiba). Phương pháp này ra đời để giới thiệu cho các bà nội trợ nhằm mục đích quản lý ngân sách của gia đình.
Đọc đến đây hẳn sẽ thắc mắc, cuốn sổ này có gì đặc biệt?
Nó thậm chí chỉ là cuốn sổ bình thường, không áp dụng công nghệ kỹ thuật nào.
Vậy tại sao nó lại “thần thánh” đến vậy?
Chính là vì phương pháp này không chỉ giúp bạn lên kế hoạch, mà còn truyền cảm hứng để bạn dám nghĩ đến cũng như tạo động lực cho bạn đạt được mục tiêu.
Cơ chế hoạt động của sổ Kakeibo
Trước khi bắt đầu với một cuốn sổ Kakeibo, bạn phải trả lời được 4 câu hỏi sau:
Hiện tại bạn có bao nhiêu tiền?
Bạn muốn chi bao nhiêu?
Bạn thực tế sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tiền?
Bạn có thể cải thiện điều đó bằng cách nào?
Bạn đang hoang mang không hiểu những điều này có tác dụng gì? Đừng nóng vội! Hãy đọc kỹ từng câu hỏi và trả lời chúng.
Nhớ viết câu trả lời vào sổ nhé!
Ngoài ra, có 4 câu hỏi mang tính chất phản hồi mà bạn phải trả lời mỗi cuối tháng:
Tháng này, bạn đã đạt được mục tiêu tiết kiệm đề ra chưa?
Bạn đã tìm ra cách nào để tiết kiệm tiền?
Bạn đã tiêu quá nhiều tiền vào hạng mục nào?
Bạn sẽ thay đổi điều gì vào tháng tới?
Hãy viết ra tất cả những câu trả lời. Vì sao ư?
Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh, con người dễ ghi nhớ thông tin hơn khi viết tay so với việc gõ văn bản trên máy tính hay chỉ suy nghĩ trong đầu.
Vì vậy nếu viết ra tất cả những điều này, bạn sẽ “toàn tâm toàn ý suy nghĩ” đến các kế hoạch và mục tiêu tiết kiệm. Từ đó bạn có thể nhập tâm hơn và quyết tâm đạt được mục tiêu.
Phương pháp này được cho rằng sẽ hiệu quả nhất khi áp dụng trong dài hạn.
Tuy nhiên nếu còn chưa cảm thấy đủ thuyết phục, bạn cứ thử áp dụng một thời gian xem có phù hợp với mình không.
Có thể bạn sẽ thích nó đấy!
Cách sử dụng sổ Kakeibo
Bước 1: Ghi lại vào sổ thu nhập và những khoản chi tiêu cố định bạn phải thanh toán mỗi tháng (có thể là tiền thuê nhà, tiền điện nước, Internet, …)
Việc ghi chép này giúp bạn biết được số tiền mình có thể tiêu trong tháng này như thế nào.
Bước 2: Xác định số tiền bạn muốn để dành trong tháng và cất riêng khoản này.
Đừng động vào số tiền này khi chi tiêu trong những tuần tiếp theo.
Bước 3: Ghi lại những chi tiêu của bạn trong những trang tiếp theo.
Bạn nên chia theo cụ thể từng loại dưới đây:
Thiết yếu: Thực phẩm, dược phẩm, di chuyển, con cái…
Không cố định: Đi cafe, nhà hàng, mua đồ ăn sẵn, mua sắm…
Văn hóa tinh thần: sách, nhạc, biểu diễn, xem phim, tạp chí…
Ngoài dự kiến: Quà tặng, cưới xin, sửa chữa…
Bước 4: Xây dựng mục tiêu tài chính của tháng (Ví dụ: Bắt đầu kế hoạch tiết kiệm mua nhà,…)
Bước 5: Xây dựng “cam kết” tài chính của tháng
Bước 6: Vào cuối mỗi tháng, hãy kiểm tra lại 2 con số tiết kiệm và chi tiêu của bạn.
Bạn cần so sánh số tiền ban đầu bạn định ra cho chi tiêu của tháng và những gì bạn đã thực sự chi.
Sự chênh lệch này chính là số tiền bạn tiết kiệm thêm được cho tháng đó.
Bạn có thể bỏ khoản chênh lệch này vào tài khoản tiết kiệm trong bước 2.
Lời kết
Không tự nhiên mà người Nhật được cho là một trong những dân tộc tiết kiệm nhất thế giới. Bạn cũng thấy Nhật Bản phát triển đến thế nào rồi đấy, nhưng người dân ở đây vẫn sống rất giản dị và tiết kiệm. Chính vì vậy để phát triển kinh tế nước nhà nói chung và cải thiện kinh tế cá nhân nói riêng…
Hãy học tập các cách tiết kiệm không mấy khó khăn của người Nhật!
Nguồn: Hồ Mỹ Duyên - GoValue
コメント