Các quỹ Private Equity có đóng góp quan trọng cho doanh nghiệp không chỉ về vốn, mà còn về các khía cạnh khác của kinh doanh như quản trị, ý tưởng, các mối quan hệ, và kinh nghiệm…
Quỹ đầu tư tư nhân (Private Equity) là gì?
Quỹ Đầu tư tư nhân (Private Equity, PE Fund) là 1 loại hình quỹ chuyên đầu tư vốn vào các DN tư nhân; hoặc các công ty đại chúng và biến chúng trở thành công ty tư nhân.
Thời gian đầu tư thường dao động trong khoảng từ 3 – 7 năm. Sau khoảng thời gian này, quỹ Private Equity sẽ thoái vốn và thu lợi nhuận.
Mục đích đầu tư của các quỹ PE khác biệt với nhà đầu tư chiến lược (strategic investor) – thường đầu tư nắm giữ lâu dài và tìm kiếm sức mạnh tổng hợp (synergy) với doanh nghiệp mà họ đang sở hữu.
Ở Việt Nam, đối tượng mà các quỹ PE hướng đến là các công ty có tiềm năng tăng trưởng lớn (growth strategy), hoặc các công ty gặp khó khăn về tài chính và cần được hỗ trợ về quản trị (distressed investment strategy).
Đa phần các quỹ PE ở Việt Nam chỉ đầu tư nắm giữ cổ phần thiểu số, với mức đầu tư phổ biến từ 5 đến 50 triệu USD.
Đặc điểm của Private Equity
#1. Sở hữu đội ngũ nhân sự có chất lượng cao
Đối với rất nhiều “dân” làm nghề tài chính, làm PE là một công việc đáng mơ ước, không chỉ bởi những khoản lương thưởng hậu hĩnh, mà còn bởi đây là một công việc cực kỳ thú vị.
Nó đòi hỏi người làm việc phải có những kiến thức và kinh nghiệm sâu rộng trong nhiều lĩnh vực như tài chính, chiến lược, marketing, vận hành, nhân sự…
Tại sao Private Equity lại cần những nhân sự có chất lượng cao đến vậy?
Câu trả lời đó là nhân lực phải tương xứng với tính chất công việc và khả năng sinh lời của công việc đó.
Tỷ suất sinh lời từ những khoản đầu tư của các quỹ Private Equity trên thực tế hầu hết đều cao hơn đáng kể so với các hình thức đầu tư khác.
Mekong Capital là một công ty vốn tư nhân tập trung tiêu biểu
trong lĩnh vực PE ở Việt Nam
#2. Quỹ Private Equity đi liền với “bí mật thông tin”
Các quỹ Private Equity gắn liền với sự kín tiếng, gồm cả bên bán lẫn bên mua.
Còn nhớ thời điểm đầu 2013, đã xuất hiện thông tin về việc quỹ Mekong Enterprise Fund II thoái một phần vốn tại Thế giới di động và thu lãi khoảng 11 lần. (Mekong Enterprise Fund II là quỹ do Mekong Capital quản lý).
Thông tin này nằm trong rải rác những thông tin liên quan đến PE và có lẽ…
…nếu Mekong Capital không công bố ra bên ngoài thì chúng ta rất khó để biết được công ty này đầu tư như thế nào, lãi bao nhiêu lần.
Như vậy, có thể thấy:
Đầu tư PE gần như “mặc định” về sự bí mật, trong đó có lĩnh vực thông tin.
Bởi đối tượng mà quỹ Private Equity hướng đến là các công ty tư nhân, công ty chưa niêm yết, có thể là góp vốn vào công ty TNHH hoặc mua trái phiếu chuyển đổi của các công ty này.
Đây là loại hình không phải chịu sự ràng buộc nào trong việc công bố thông tin như công ty đại chúng hay công ty niêm yết.
Thậm chí, có những quỹ PE còn bảo mật cả thông tin đầu tư, những ai bỏ vốn vào quỹ cũng chỉ biết được mình đang làm việc với quỹ…
…mà không biết tiền của mình đang chảy vào công ty nào.
#3. “High risk, high return” – Lợi nhuận cao, rủi ro cao
Với một hình thức đầu tư có tỷ suất sinh lời cao như quỹ PE thì rủi ro là điều khó tránh khỏi.
Đã từng có những thương vụ PE rất lớn đầu tư vào một công ty thực phẩm cao cấp, lúc đầu công bố rất hoành tráng, nhưng sau này chìm luôn. Hỏi ra mới biết quỹ đầu tư đang phải vật lộn với công ty này, phải đưa cả những nhân sự trụ cột vào ban quản lý, gánh vác việc điều hành và cho đến giờ có thể nói đây là một thương vụ thất bại.
Hay sau 6 năm “chung sống”, cuối năm 2009 SK Telecom đã phải tuyên bố “chia tay” S-Phone Việt Nam do lợi thuận thấp và tốc độ phát triển thuê bao chậm, sau khi đã đầu tư tới 150 triệu USD trong thời gian trước đó.
Thậm chí, ngay cả một tổ chức đầu tư PE lão luyện là Mekong Capital cũng đã thoái vốn tại Công ty cổ phần Mai Son sau hơn hai năm góp vốn.
Chính vì vậy tại một số quốc gia, đã có những quy định rõ ràng về NĐT nào đủ sức chấp nhận rủi ro mới được rót vốn vào các quỹ PE. Vì đơn giản là sự hạn chế thông tin ở mức cao nhất, đẩy rủi ro về minh bạch thông tin gia tăng.
Từ đây cũng xuất hiện một lợi thế cho các quỹ Private Equity…
Đó là việc họ có thể thất bại từ vài cho đến hàng chục thương vụ, nhưng chỉ cần một doanh nghiệp họ đầu tư tăng trưởng, phát triển vượt bậc và sinh lãi lớn nghiễm nhiên được xem là thành công.
Chu trình đầu tư Private Equity diễn ra như thế nào?
Một chu trình đầu tư PE sẽ có:
Tìm kiếm thương vụ (deal sourcing),
Cấu trúc thương vụ (deal structuring)
Thoái vốn, hiện thực hóa lợi nhuận (exit strategy).
Tìm kiếm doanh nghiệp tiềm năng và cấu trúc thương vụ
Mặc dù Việt Nam có hàng trăm nghìn doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ, nhưng trong số đó, số lượng doanh nghiệp thực sự “chất” thì lại không nhiều.
Ngay cả khi tìm kiếm được doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, đáng để đầu tư, thì các tổ chức đầu tư thường gặp phải một số vấn đề.
Vấn đề về quyền sở hữu và quản lý điều hành doanh nghiệp
Thực tế cho thấy phần lớn chủ doanh nghiệp vẫn có tư tưởng mình là “ông chủ” và chưa sẵn sàng cho việc bị một đối tượng bên ngoài theo dõi sát sao.
Chia sẻ quyền sở hữu với một đối tác mới khiến không ít chủ doanh nghiệp lưỡng lự trong việc tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược.
Họ cũng không sẵn sàng chia sẻ quyền lãnh đạo hay thay đổi cơ cấu doanh nghiệp nếu đi ngược lại lợi ích cá nhân của họ.
Một trong những công đoạn phức tạp nhất và quan trọng nhất của tổ chức đầu tư khi thực hiện đầu tư vào doanh nghiệp là đánh giá khả năng và sự trung thực của người lãnh đạo.
Nếu người lãnh đạo không tạo được niềm tin nơi nhà đầu tư, không sẵn sàng thể hiện thiện chí thay đổi và chia sẻ một phần quyền điều hành thì họ sẽ không sẵn sàng tham gia góp vốn trong lĩnh vực rủi ro cao này.
Vấn đề về kỹ thuật (báo cáo tài chính)
Hậu quả của một hệ thống quản lý tài chính không chuyên nghiệp và không chuẩn hóa là…
…một hệ thống báo cáo tài chính chồng chéo, không minh bạch và có những khoản loại trừ trọng yếu không thể sửa đổi.
Khiến những nhà đầu tư chuyên nghiệp, các quỹ đầu tư Private Equity khó có thể thỏa hiệp về những vấn đề này khi cam kết đầu tư vào doanh nghiệp.
Đối với hình thức đầu tư Private Equity, ngoài việc tham gia hội đồng quản trị, thông thường các tổ chức đầu tư sẽ đóng vai trò chủ động trong hoạt động tổ chức sản xuất kinh doanh hàng ngày tại doanh nghiệp.
Mekong Capital là ví dụ.
Khi các nhân sự mà Mekong Capital được cử tham gia hoạt động điều hành đều có kinh nghiệm chuyên môn về những mảng nghiệp vụ nhất định, như tổ chức bán hàng hay sản xuất…
Khi truy cập website của quỹ đầu tư này, chúng ta sẽ không khó nhận ra rằng họ còn hỗ trợ các công ty (mà họ tham gia góp vốn) thông qua hoạt động tuyển dụng các nhân sự cấp cao.
Đó chính là những giá trị gia tăng to lớn mà các quỹ đầu tư đem lại cho doanh nghiệp, bên cạnh lợi ích cơ bản từ việc huy động vốn để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chiến lược thoái vốn
Tìm kiếm cơ hội đầu tư, xác định mức giá đầu tư… khó khăn là thế nhưng đó cũng mới chỉ là một phần của một chu trình đầu tư PE.
Đối với mỗi thương vụ đầu tư, chiến lược thoái vốn (exit strategy) là một trong những nội dung trọng yếu.
Điều này đặc biệt quan trọng tại các thị trường mới nổi như Việt Nam, nơi mà tính thanh khoản của các khoản đầu tư còn chưa thật sự ổn định.
Phương án thoái vốn cho các khoản đầu tư này có thể là:
BÁN phần vốn góp cho 1 tổ chức (nhà) đầu tư khác; hoặc
Thực hiện phương án IPO (phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng) hoặc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán
Như vậy, Private Equity là một hướng đi có tiềm năng sinh lợi rất cao, nhưng kèm theo đó là những rủi ro không hề nhỏ. Nó đòi hỏi các tổ chức đầu tư phải có sự nghiên cứu kỹ môi trường đầu tư, lĩnh vực kinh doanh cũng như nội tại doanh nghiệp.
Ngược lại, lợi ích của việc kêu gọi các tổ chức đầu tư PE chuyên nghiệp đầu tư vào doanh nghiệp là rất lớn, nhưng tận dụng đến đâu thế mạnh của đối tác chiến lược cũng là câu chuyện cần bàn thêm.
Doanh nghiệp được lợi ích gì
khi thu hút vốn từ các quỹ Private Equity?
Với mục đích chính là tìm kiếm lợi nhuận, các quỹ Private Equity khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn về giá trị bền vững mà các quỹ này có thể mang lại.
Sau một loạt mối quan hệ tan vỡ giữa Ba Huân – Vinacapital hay The KAfe – Cassia Investments, nhiều người cho rằng các quỹ PE “hút máu” hay thậm chí là cướp quyền sở hữu doanh nghiệp, thay vì đồng hành để xây dựng những giá trị cốt lõi.
Tuy nhiên, quan niệm này là hoàn toàn sai lầm.
Bởi nhìn nhận một cách khách quan, các quỹ PE có những đóng góp quan trọng cho sự thành bại của doanh nghiệp.
Các quỹ PE giúp các doanh nghiệp nhanh chóng gia tăng tiềm lực tài chính để mở rộng sản xuất kinh doanh bằng việc góp vốn vào các doanh nghiệp tư nhân – thường là các doanh nghiệp nhỏ, ít khả năng tiếp cận vốn từ các kênh truyền thống…
Ngoài ra, các quỹ Private Equity còn góp phần cải tiến cách thức quản trị và vận hành của doanh nghiệp. Điều này có được là nhờ các quỹ PE có đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực, có thể tư vấn cho doanh nghiệp trong việc hoạch định chiến lược kinh doanh, công nghệ quản lý, xây dựng thương hiệu và sản phẩm…
Với mối quan hệ sâu rộng, các quỹ cũng hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với những đối tác, khách hàng lớn hay nguồn nhân sự tiềm năng.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp tìm đến các quỹ PE không phải vì vốn mà chính là những hỗ trợ kiến tạo giá trị gia tăng này.
Chẳng hạn trường hợp của Thế giới Di Động, sự tham gia của Mekong Capital đã giúp công ty thay đổi cách thức quản trị và xây dựng thành công đế chế bán lẻ của ngày hôm nay.
Vậy, nếu có ý định thu hút vốn đầu tư từ các quỹ Private Equity, doanh nghiệp cần lưu ý điều gì?
Những vấn đề lưu ý khi gọi vốn từ các quỹ PE
Là các nhà đầu tư chuyên nghiệp, các quỹ Private Equity thường có những quy định và ràng buộc vô cùng chặt chẽ đối với doanh nghiệp nhận đầu tư, nhằm bảo vệ quyền lợi của mình.
Do đó, nếu có ý định thu hút vốn đầu tư từ các quỹ PE, doanh nghiệp cần lưu ý một số điểm như sau:
Cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp: Doanh nghiệp Việt thường có cấu trúc sở hữu phức tạp, chồng chéo với nhiều mảng kinh doanh khác nhau. Do đó, việc tái cấu trúc sở hữu một cách “thân thiện”, rõ ràng cho các mảng cần vốn đầu tư hoặc hấp dẫn với nhà đầu tư trước khi mời gọi đầu tư là rất cần thiết.
Năng lực quản trị doanh nghiệp: Đội ngũ lãnh đạo tâm huyết, chính trực, số liệu tài chính trung thực… là các yếu tố ảnh hưởng hàng đầu đến quyết định đầu tư của các quỹ PE.
Giá cả và rủi ro: Các quỹ PE luôn có mức tỷ suất lợi nhuận yêu cầu cao, để bù đắp cho mức rủi ro cao do đầu tư vào các công ty tư nhân.Theo khảo sát của Grant Thornton về hoạt động PE tại Việt Nam năm 2018, đa phần các quỹ đầu tư yêu cầu tỷ suất lợi nhuận trên 20%, thâm chí trên 25%. Trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận yêu cầu của nhà đầu tư chiến lược chỉ dao động trong khoảng 12 – 18%. Rủi ro càng cao, mức lợi nhuận yêu cầu càng lớn, và theo đó mức định giá càng thấp.
Cơ sở định giá: Đối với các doanh nghiệp có dòng tiền tương đối ổn định hoặc đã có lợi nhuận, cơ sở định giá thường được áp dụng là dựa trên số lần trên EBITDA của các doanh nghiệp tương đồng hoặc các giao dịch tương đồng. Đối với các công ty start-up, hay đặc biệt các công ty công nghệ, thời điểm đầu tư thường là từ khi chưa có lợi nhuận, cách định giá có thể quy về số lần trên doanh thu (price to sales), hay sáng tạo hơn, dựa trên các đại lượng định giá gắn liền với hoạt động như: giá trên số lần/số lượng đơn hàng (price to orders), số lần/số lượng người dùng (price to users)… Lưu ý là các số liệu sẽ cần phải được điều chỉnh bình thường hóa (như đối với EBITDA hoặc doanh thu), hay phụ thuộc vào kết quả rà soát chi tiết. Có rất nhiều thương vụ đầu tư đã thất bại do kết quả rà soát có sai lệch quá lớn so với số liệu ban đầu. Do vậy doanh nghiệp cần phải ước tính trước được những điều chỉnh này để không bất ngờ tại thời điểm chốt giá trị giao dịch.
Cấu trúc thương vụ: Để đảm bảo giá trị đầu tư, nhiều quỹ PE áp dụng các hình thức như đầu tư cổ phiếu kèm theo quyền được bán lại tại một mức tỷ suất sinh lời nhất định, đầu tư trái phiếu kèm quyền chuyển đổi thành cổ phiếu, hoặc kết hợp cả hai. Với các hình thức này, các quỹ PE có thể đưa vào hợp đồng mua bán những điều kiện chặt chẽ để bảo về quyền lợi của mình, bao gồm các điều kiện về tài sản thế chấp, tỷ lệ chuyển đổi, giá chuyển đổi hay các điều khoản chống pha loãng…
Có thể thấy, yêu cầu của các quỹ PE đối với các doanh nghiệp nhận đầu tư không hề đơn giản. Do đó, “biết người, biết ta” – hiểu rõ nhu cầu và khả năng của doanh nghiệp mình, đồng thời hiểu rõ mục tiêu, điều kiện và yêu cầu của bên mua – là điều vô cùng cần thiết để có thành công trong thương vụ.
Bonus: Thông tin thêm
Các hình thức quỹ “tương tự” trên thị trường
Ngoài hình thức Private Equity mà chúng ta đã tìm hiểu ở trên, thì vẫn có nhiều hình thức tương tự khác cũng đang phát triển ở Việt Nam, gồm:
#1. Venture Capital / VC (Vốn đầu tư mạo hiểm)
Các quỹ Venture Capital (viết tắt VC) thường đầu tư vào các start-up ở giai đoạn đầu, được đánh giá là có tiềm năng tăng trưởng nhanh.
Hình thức này với mục tiêu phát triển các công ty đã đầu tư một cách nhanh chóng, sau đó bán chúng qua các giao dịch M&A hoặc IPO.
Nhìn chung, Quỹ VC sẽ đầu tư vào nhiều công ty hơn quỹ PE; nhưng xét về quy mô đầu tư, thường số tiền đầu tư của PE sẽ cao hơn.
Ở khía cạnh khẩu vị rủi ro, VC chấp nhận rủi ro cao hơn PE. Trước khi đầu tư, các VC đã chuẩn bị “tinh thần” rằng khả năng cao là phần lớn các công ty trong danh mục đầu tư của họ sẽ thất bại, nhưng nếu một công ty trở thành Alibaba tiếp theo, họ vẫn có thể kiếm được khoản lợi nhuận kếch xù.
#2. Angel Investor (Nhà đầu tư thiên thần)
Là người sử dụng tiền của chính mình để đầu tư vào các công ty start-up ở giai đoạn đầu. Các nhà đầu tư thiên thần cũng đóng góp các lời khuyên, kinh nghiệm, và trợ giúp rất nhiều cho start-up mà họ đầu tư.
Sự khác nhau giữa nhà đầu tư thiên thần và VC là VC hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp, tập trung các nhà đầu tư chuyên nghiệp; và quỹ mà VC dùng để đầu tư đến từ nhiều nguồn khác nhau – các tập đoàn và cá nhân, quỹ hưu trí tư nhân và công cộng…
#3. Equity Crowdfunding (Gây quỹ từ cộng đồng)
Ở hình thức này, vốn được huy động từ đám đông, thông qua việc bán chứng khoán của một công ty tư nhân – công ty chưa sàn giao dịch chứng khoán.
Danh sách các quỹ PE tại Việt Nam
Nhìn chung, các quỹ PE là các quỹ quản lý vốn của các tổ chức hoặc cá nhân giàu có.
Ở Việt Nam, các quỹ Private Equity lớn gồm: Mekong Capital, Dragon Capital, VinaCapital, Vietnam Investment Group…
Nguồn: Tuấn Trần - GoValue
Comments