top of page

Quản lý tài chính cá nhân từ A – Z với quy tắc 50/20/30

Trong cuộc sống ngày nay việc quản lý tài chính cá nhân luôn là một việc rất quan trọng trong quá trình phát triển sự nghiệp của mỗi người.

Nếu bạn không biết quản lý tốt những thứ bạn đang có…

…hiển nhiên cuộc sống của bạn sẽ dần trở nên vô giá trị.

Hãy thử nghĩ đơn giản, khi có tiền trong tay, việc đầu tiên bạn làm sẽ là gì?

Chi tiêu, mua sắm? Tiết kiệm? Hay đầu tư lấy lãi?…

Bạn có bao giờ lập tức nghĩ đến việc sẽ quản lý số tiền đó của mình như thế nào?

Không quan trọng là bạn có bao nhiêu tiền trong túi mà điều quan trọng là bạn giữ lại được bao nhiêu tiền và làm cho số tiền đó sinh sôi nảy nở nhiều hơn.

Đây là những lời Robert Kiyosaki – tác giả của bộ sách “Dạy con làm giàu” đã khẳng định.

Vì vậy, thay vì ngay lập tức tìm cách để tiêu số tiền mà bạn vừa có được…

…hãy nghĩ đến việc quản lý nó như thế nào để không chỉ giữ được tiền mà còn khiến nó có khả năng sinh lời.

Câu hỏi đặt ra cho chúng ta:

Làm thế nào để bạn quản lý và lên kế hoạch tài chính cá nhân một cách hiệu quả?

Bí quyết nằm ở các nguyên tắc quan trọng về tiền và các phương pháp quản lý tài chính quan trọng ngay dưới đây.

6 nguyên tắc lập kế hoạch tài chính cá nhân hiệu quả


#1. Tâm lý có ảnh hưởng đến tiền bạc?

Thực tế đã chứng minh yếu tố tâm lý ảnh hưởng đến tiền bạc nhiều như thế nào.

Có những người nghiện mua sắm tới mức có thể mua bất cứ lúc nào mình thích, hoặc chỉ có chút căng thẳng cũng dùng việc mua sắm để giải tỏa.

Có những người thích mua quần áo nhiều đến mức không mặc hết nhưng vẫn mua về chất đầy nhà.

Cũng có những người tốn rất nhiều tiền vào đồ chơi công nghệ, trò chơi trực tuyến,…

Điều đặc biệt ở đây là họ không hề khá giả và số tiền họ kiếm được thậm chí không đủ cho những sở thích xa xỉ này.

Nhưng tại sao họ vẫn quyết định mua những thứ đó?

Bởi vì việc quản lý tiền bạc một cách thông minh thường liên quan đến lý trí nhiều hơn là tính toán.

Tâm lý học của đồng tiền…

Nhiều cuốn sách về tài chính cá nhân đã bỏ sót vai trò của tâm lý trong việc quản lý và đưa ra các quyết định tài chính.

Thực chất những hành động liên quan đến tài chính chịu nhiều ảnh hưởng bởi tâm lý hơn là khả năng tính toán khoa học.

Xét một ví dụ đơn giản:

Khi bạn có nhiều món nợ, thông thường bạn nếu bạn trả món nợ có mức lãi cao hơn. Như vậy cảm giác nợ nần nhanh chóng được giảm xuống.


Điều này nghe có vẻ hợp lý…

Tuy nhiên trên thực tế, nếu minh mẫn suy nghĩ được như vậy thì chúng ta đã không mắc nợ. Bởi trả một món nợ lớn không phải việc dễ dàng đối với hầu hết tất cả mọi người.

Theo phương pháp Ramsey – trả từ món nợ nhỏ nhất lại được sử dụng nhiều hơn.

Với các món nợ nhỏ, bạn có thể dễ dàng trả dần dần. Sau khi trả được 1 món, bạn sẽ có động lực để trả tiếp các món nợ lớn hơn.

Sau đây là một vài yếu tố tâm lý “tiêu biểu” ảnh hưởng đến việc quản lý tiền bạc:

  • Yếu tố tâm lý đóng vai trò nhất định khi cho gia đình hoặc bạn bè vay tiền

  • Đóng vai trò quan trọng trong trận chiến phân chia tài sản trong gia đình

  • Sức ảnh hưởng của tiếp thị và quảng cáo làm thói quen chi tiêu của bạn bị tác động nhiều

  • Mềm lòng và chi tiêu cho con cái những món đồ xa xỉ không cần thiết

  • Tâm lý trong quá trình đưa ra quyết định đầu tư…

Có thể dễ dàng nhận thấy mọi mục tiêu tài chính đặt ra đều dựa trên tâm lý cá nhân và cảm xúc.

Vậy bạn nên làm gì để vượt qua nó?

Hãy biết kiểm soát suy nghĩ!

Không có cách nào để loại bỏ được hoàn toàn yếu tố tâm lý trong việc quản lý tiền bạc.

Và cũng không cần thiết phải loại bỏ chúng, bởi ta là con người chứ không phải người máy.

Nhưng…

Bạn cần phải biết cách giảm thiểu những ảnh hưởng xấu của yếu tố tâm lý lên các quyết định tài chính.

Hãy thử 4 biện pháp dưới đây:

  1. Hạn chế tiếp xúc với quảng cáo Nhiều người cho rằng mình không hề bị ảnh hưởng bởi quảng cáo. Họ tặc lưỡi “Toàn là quảng cáo vớ vẩn”… Nhưng ngày hôm sau đã thấy họ tạt vào cửa hàng đó và “tay xách nách mang”. Không mấy ai có thể chống lại cám dỗ của quảng cáo. Vì vậy, nếu được bạn hãy tránh xa hết mức có thể. Càng thấy ít quảng cáo, bạn sẽ càng ít chi tiêu vào những thứ không cần thiết.

  2. Tránh xa những cám dỗ từ sở thích Nếu đã biết bản thân là một người thiếu kỷ luật, để giảm bớt sự chi tiêu không có kế hoạch. Cách tốt nhất là hãy chủ động tránh xa những nơi có thể gây cám dỗ cho bạn. Ví dụ nếu bạn là một con nghiện mua sắm, hãy cố gắng “phớt lờ” các cửa hàng, trung tâm mua sắm,…

  3. Hiện đại hóa quá trình quản lý tài chính cá nhân Nếu bạn không thể tự kiềm chế bản thân, hãy để máy móc và hệ thống tự động giúp bạn. Hãy thiết lập để sau khi nhận lương, hệ thống sẽ chuyển một phần cố định vào khoản tiết kiệm. Ngoài ra, hiện nay có rất nhiều các ứng dụng quản lý tài chính thông minh, hỗ trợ bạn ghi chép các chi tiêu cá nhân, phần tích biến động số dư… Thậm chí, các công cụ này có thể nhắc nhở bạn về việc chi tiêu quá hạn mức. Bạn có thể tham khảo: Mint, Money lover, HomeBudget, My Expenses, Spendee, Pocket Guard… Khi mọi thứ được tự động hóa, bạn sẽ dễ dàng hoàn thành các mục tiêu tài chính và không còn phải lo cảm xúc chi phối nữa.

  4. Tự đấu tranh tâm lý Khi mua đồ, bạn hãy suy nghĩ kỹ xem mình có cần thiết phải mua món đồ đó không. Nếu nó là một món đồ đắt tiền, hãy đừng vội mua ngay mà xếp nó vào giỏ hàng. Tiếp theo, bạn hãy đặt mục tiêu thời gian nhất định, tự theo dõi xem xét chi tiêu của mình trong khoảng thời gian đó. Cuối cùng, đánh giá tầm quan trọng của món đồ bạn muốn mua và đưa ra quyết định. Rõ ràng, yếu tố tâm lý quan trọng đối với việc quản lý tiền bạc hơn là tính toán khoa học.

Hãy cố gắng học cách kiểm soát, làm chủ tâm lý của mình cho các quyết định tài chính quan trọng nói riêng và quá trình quản lý tài chính cá nhân nói chung.


#2. Công thức đơn giản để trở nên giàu có?

Một trong những lời khuyên tốt nhất về tài chính cá nhân đó là:

Để thoát nợ và tạo ra của cải, bạn phải chi tiêu ít hơn số tiền bạn kiếm được.

Nghe thì có vẻ đơn giản, “khổ lắm biết rồi nói mãi”,…nhưng không phải ai cũng làm được.

Về cơ bản: Sự giàu có luôn bằng thu nhập trừ đi chi tiêu.

Vậy theo phương thức toán học cơ bản, bạn chắc chắn biết phải làm gì để kết quả này có giá trị cao nhất!


Tiêu ít hơn

Chi tiêu ít hơn, hay nói một cách khác là tiết kiệm nhiều hơn.

Tính tiết kiệm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình tài chính của bạn.

Khi bạn cắt giảm chi phí, dòng tiền của bạn sẽ tăng lên.

Việc tiết kiệm có lợi ích lớn đó là bạn có thể tiến hành ngay mà không bị tác động bởi tác nhân tâm lý nào.

Tiết kiệm có thể mang đến cho bạn lợi nhuận tức thời.

Tip: Để tiêu ít hơn, bạn nên cắt giảm sự lệ thuộc vào thẻ tín dụng.

Thẻ tín dụng cung cấp hàng loạt các tiện ích và ưu đãi hấp dẫn, điều này sẽ vô tình đưa bạn đến “bẫy” chi tiêu.

Lúc này bạn sẽ khó kiểm soát hơn so với khi sử dụng tiền mặt, bởi các chi phí phát sinh hoặc các khoản nợ quá mức có thể dẫn đến chi tiêu vượt quá giới hạn.

Vì vậy, hạn chế việc sử dụng thẻ tín dụng cũng là cách để giảm bớt chi tiêu quá mức.


Kiếm nhiều tiền hơn

Tất nhiên, bạn không thể tiết kiệm nhiều hơn mức thu nhập bạn có.

Nhưng không có một mức giới hạn nào về số tiền bạn có thể kiếm được cả.

Chính vì vậy, mấu chốt của công thức cho sự giàu có chính là thu nhập của bạn.

Muốn giàu có, hãy kiếm thật nhiều để tăng thu nhập của mình.

Một câu chuyện thực tế đó là, những người thành công về tài chính đã phải hy sinh khá nhiều thứ để kiếm thêm thu nhập như thời gian, sở thích cá nhân,…

Đến khi họ thành công rồi thì tất cả những thứ đó trở nên quá đỗi bình thường với họ.

Vậy còn bạn, bạn sẽ kiếm thêm thu nhập bằng cách nào?

  • Làm thêm giờ

  • Làm thêm một công việc ngoài thời gian

  • Đổi công việc khác với mức lương cao hơn

  • Tự bắt đầu kinh doanh nhỏ

  • Bán những đồ mà bạn không còn sử dụng…

Những việc trên có thể đều hiệu quả và góp phần giúp bạn tăng thu nhập, nhưng đều cần có sự hy sinh, nhất là về thời gian.

Không phải ai cũng sẵn sàng từ bỏ khoảng thời gian rảnh rỗi của mình để kiếm tiền.

Vì vậy họ lựa chọn tiết kiệm tối đa và chờ đợi.

Đấy không phải là cách để bạn trở lên giàu có, đó chỉ là cách giúp bạn duy trì sự vừa đủ trong chi tiêu mà thôi.

Dù sao thì hãy chi tiêu ít hơn những gì mình kiếm được, nếu không muốn mãi không thoát khỏi nợ nần.


#3. Thanh toán cho bản thân trước tiên

Mọi cuốn sách về tài chính hay các trang blog về tài chính cá nhân,… đều đưa ra một lời khuyên đơn giản rằng hãy thanh toán cho bản thân trước.

Vậy “thanh toán cho bản thân trước” có ý nghĩa như thế nào?

Thanh toán cho bản thân trước có nghĩa là:

Sau khi nhận lương, và trước khi thanh toán các hóa đơn, mua sắm hay sử dụng vào bất cứ việc gì khác… Bạn hãy lập tức dành ngay một phần thu nhập cho bản thân!

Và tất nhiên, khoản này sẽ được đưa ngay vào tài khoản tiết kiệm, chứ không dùng để chi tiêu cho các vấn đề cá nhân.

Nếu giữ được thói quen này, bạn sẽ bất ngờ với số tiền mình để dành được sau một khoảng thời gian đấy.

Nói tất nhiên bao giờ cũng dễ hơn làm…

Bởi vì, số tiền đó có thể sẽ nhanh chóng được bạn sử dụng vào việc khác.

Bạn thậm chí còn không nhớ đến việc mình đã để dành khoản này cho việc tiết kiệm.

Hoặc tháng này bạn không đụng đến nhưng do chi tiêu quá tay, bạn buộc phải dùng nó để chi tiêu cho các khoản cần bù trong tháng tiếp theo.


Tại sao bạn nên thanh toán cho bản thân trước?

Tạo động lực cho bản thân

Thanh toán cho bản thân trước là một trong những cách để nói với bản thân rằng mình quan trọng hơn bất cứ thứ gì, dù là chủ nhà trọ hay công ty điện nước.

Nó giúp bạn khẳng định tính ưu tiên của việc tiết kiệm, từ đó tạo cho bạn động lực to lớn, mang đến cho bạn sức mạnh ý chí “tiết kiệm”.

Duy trì thói quen tài chính lành mạnh theo thứ tự “tiết kiệm – chi tiêu”

Tiết kiệm, phương pháp chi tiêu được xem là không có kế hoạch, bởi chi tiêu cho cá nhân hoàn toàn là khoản chi bất định không lường trước được.

Vì vậy sẽ có những tháng bạn tiêu đến mức chẳng còn đồng nào để tiết kiệm.

Thay vào đó, hãy đổi tiết kiệm lên đầu, như vậy bạn sẽ tiêu có chừng mực hơn mà vẫn tiết kiệm được tiền mỗi tháng.

Nếu như bạn chưa hiểu, tôi sẽ giải thích rõ ràng hơn…

Thông thường nếu bạn là người mới bắt đầu đi làm chưa được bao lâu, việc tiết kiệm thực ra rất khó.

Bạn phải trả rất nhiều thứ chi phí mà khoản lương của bạn thời điểm hiện tại chưa đủ để bạn thanh toán được hết mà vẫn còn dư để tiết kiệm.

Vấn đề ở đây chính là do tâm lý sợ không đủ nên bạn luôn có xu hướng thanh toán tất cả các hóa đơn và các khoản chi phí, sau đó mới chừa lại phần tiết kiệm.

Hãy thử đổi ngược lại!

Để ra một phần để tiết kiệm trước rồi mới thanh toán hóa đơn, phần còn lại mới để cho khoản chi tiêu tùy ý của bạn.

Khi đó, bạn sẽ biết cách tiết chế trong chi tiêu và hạn chế bớt được các khoản chi không cần thiết.

Điều quan trọng ở đây là gì?

Việc tiết kiệm cần làm ngay chứ không thể trì hoàn thêm bất cứ phút giây nào nữa!

Ưu tiên thanh toán cho bản thân giúp bạn có ngân sách trong cuộc sống.

Tiết kiệm càng nhiều, bạn càng dễ chia khoản tiết kiệm của mình thành nhiều phần,

Trong đó tất nhiên phải có khoản khẩn cấp để ứng phó với các tình huống không lường trước…

Làm sao để bạn thanh toán cho bản thân trước tiên?

Một cách dễ dàng và nhanh chóng là hãy khiến nó trở thành tự động.

Nếu bạn thiết lập sẵn để chuyển ngay một phần lương của bạn vào tài khoản tiết kiệm mỗi tháng ngay sau khi nhận lương,

Nó sẽ trở thành một thói quen mà dần dần bạn thậm chí còn chẳng cảm thấy tiền của bạn hao đi mỗi khi lương về.


Tiết kiệm bao nhiêu là vừa đủ?

Bạn có thể tiết kiệm bao nhiêu là tùy khả năng của bạn, thậm chí chỉ 1% thu nhập của bạn cũng không vấn đề gì.

Đừng ngại khi người khác cười nhạo bạn vì 1% chẳng đáng là bao. “Tích tiểu thành đại”, ít rồi cũng sẽ thành nhiều.

Hơn nữa nếu tự cảm thấy 1% đối với bạn quá dễ dàng, bạn hoàn toàn có thể nâng lên 3%, 5% thậm chí là 10%, miễn là bạn cảm thấy phù hợp.

Hãy thanh toán cho bản thân mình ngay từ hôm nay, dù muộn còn hơn không.


#4. Bắt đầu từ những thứ nhỏ nhặt

Có hàng tá cách để lên kế hoạch quản lý tài chính cá nhân thông minh, nhưng liệu bạn có thể thực hiện được nó?

Nhiều khi khoản nợ quá lớn hoặc mục tiêu tiết kiệm của bạn quá cao đến mức bạn không thể tin vào việc mình có thể đạt được trừ khi trúng số.

Xã hội hiện nay thường xem trọng và đề cao những người có thành công lớn.

Chẳng ai để tâm đến những người sống giản dị: đi xe bus đi làm, tự trồng trọt tại nhà, mua sắm ở cửa hàng đồ cũ, mượn sách ở thư viện…

Tuy đó là một lối sống không chút hào nhoáng, nhưng chính lối sống này mới dễ đem đến sự giàu có thực sự.

Thay đổi ngay bây giờ… từ những thứ nhỏ nhất

Từ những khoản chi tiêu nhỏ lẻ, bạn hoàn toàn có thể tiết kiệm nhờ…

…các phiếu giảm giá, các chương trình khuyến mãi, so sánh giá cả giữa các cửa hàng,…


Mặc dù với nhiều khoản nhỏ như vậy, nhưng bạn sẽ phải bất ngờ vì bản thân đã tiết kiệm được một khoản rất đáng kể đấy.

Để đạt được một mục tiêu lớn là mua nhà hoặc mua xe và tạo động lực để tiết kiệm cho mục tiêu lớn đó, đừng bỏ quên cơ hội luôn đến từ những việc nhỏ…

Một đồng tiền tiết kiệm được hơn một đồng tiền kiếm được.

Ngoài ra, bắt đầu từ những việc nhỏ sẽ đem lại một hiệu ứng phụ thú vị.

Khi bạn có thói quen cắt giảm chi tiêu ở một thứ, bạn nhận ra rằng mình có thể áp dụng kỹ năng đó cho những thứ khác trong cuộc sống.

Đừng nhầm lẫn về 2 từ “tiết kiệm”

Có những người cho rằng tiết kiệm đồng nghĩa với bần tiện, và như vậy là trái với phẩm giá, sĩ diện của bản thân.

Cũng có những người sống với phương châm tận hưởng hôm nay mà không cần biết ngày mai sẽ ra sao.

Bạn cho rằng sống như vậy là đáng sống?

Cho đến khi về già, khi mà bạn không còn đủ sức khỏe để kiếm tiền nữa, thì bạn định sẽ sống thế nào?

Đừng phụ thuộc hoàn toàn vào con cái, họ cũng có cuộc sống riêng của mình.

Đừng nghĩ đến việc sẽ trở thành gánh nặng của con cái.

Nếu bạn cho việc đón xe bus đi làm trong lúc này là điều khó khăn thì hãy nghĩ đến việc phải tích cóp từng xu để mua nhu yếu phẩm khi bạn 70 tuổi hay thậm chí là 80, 90 tuổi.


Tuy nhiên, cũng đừng tiết kiệm quá mức, đừng nhầm lẫn giữa tiết kiệm với hành hạ bản thân.

Tiết kiệm không có nghĩa là sống như kẻ túng thiếu.

Chỉ nên tiết kiệm ở mức vừa đủ, hạn chế bớt những thứ không quan trọng.

Khi đó ta vẫn có thể thỏa mãn bản thân ở những khía cạnh quan trọng nhất đối với chính bản thân.


#5. Những thứ “Lớn” cũng quan trọng

Tích tiểu thành đại, tất nhiên với những khoản tiết kiệm nhỏ lẻ, bạn sẽ tiết kiệm được một khoản kha khá.

Tuy nhiên không nên vì quá tập trung vào những khoản nhỏ nhặt mà quên mất các giao dịch lớn.

Tuy tần suất không nhiều bằng các giao dịch nhỏ, nhưng…

…chỉ với một giao dịch cũng có thể giúp bạn tiết kiệm được nhiều hơn khá nhiều so với các các món tiền nhỏ khác.

Dĩ nhiên, trong đời bạn chỉ tính đến việc tiết kiệm mua nhà, mua xe một hoặc một vài lần.


Bên cạnh đó, bạn vẫn có thể sẽ có những quyết định lớn khác, đối với các mặt hàng xa xỉ như máy ảnh, máy tính mới hay đồ nội thất,…

Đó chính là những cơ hội tuyệt vời để tiết kiệm.

Mỗi khi dự tính cho một khoản chi lớn, hãy tìm những cách có thể giúp tối đa hóa giá trị nhận được từ mỗi đồng tiền bạn chi.

Với những giao dịch lớn, bạn cần để ý những vấn đề sau đây:

  • Tìm hiểu kỹ về món đồ mình muốn mua

Hãy ghi ra tất cả những vấn đề thực sự cần thiết liên quan đến món đồ. Có thể là tính năng, chất lượng, các thông số kỹ thuật, mẫu mã, cách sử dụng,…

  • Đặt ra ngân sách ngay từ đầu

Sau khi tìm hiểu kỹ về món đồ mình muốn mua, hãy tham khảo giá và đặt ra mức ngân sách mà mình sẵn sàng chi trả cho món đồ đó.

Nếu không đặt ngân sách trước, bạn sẽ dễ sa vào những tính năng bổ sung, những thứ dễ khiến bạn “vung tiền” quá mức cần thiết.

  • Nghiên cứu những lựa chọn phù hợp tùy theo những tính năng mong muốn và ngân sách

Hãy cân nhắc về sự khác biệt giữa giá cả của từng món trong những lựa chọn cuối cùng của bạn.

Đồng thời hãy kết hợp xem xét cũng một mặt hàng tại nhiều cửa hàng khác nhau. Đừng quên xem xét đến cả những loại hàng “like new” – không phải mới 100% nhưng chất lượng vẫn còn tốt.

  • Đưa ra lựa chọn phù hợp nhất với bản thân

Sau khi đã chọn lựa một cách kỹ càng, hãy mua nó. Hãy tự tin rằng bạn đã nghiên cứu đủ kỹ để biết rằng mình giao dịch một cách khôn ngoan.

  • Bảo vệ khoản đầu tư tài chính của bạn

Hãy giữ kỹ các loại giấy bảo hành và hộp sản phẩm, để khi có tình huống phát sinh, những thứ này sẽ giúp bạn tiết kiệm một khoản không nhỏ để sửa chữa, thậm chí là thay mới hoàn toàn mà không tốn kém nhiều.

Dành dụm tiền hàng ngày từ những việc nhỏ là rất tốt, nhưng tiết kiệm từ những việc lớn có thể tạo ra một khác biệt tuyệt vời cho ngân sách của bạn.

#6. Hãy chỉ thực hiện những điều phù hợp với bản thân mình

Không có gì gọi là nguyên tắc đúng với 100% tất cả mọi người cả!

Có thể điều này đúng với người này, nhưng lại không đúng đối với người khác.

Sai lầm lớn nhất trong quản lý tài chính đó là áp dụng sai nguyên tắc.

Áp đặt nguyên tắc không phù hợp lên chính bản thân, để đến lúc nhận ra thì đã muộn.

Chính vì vậy, bạn nên nhớ để thành công trong vấn đề tài chính, đôi lúc bạn phải bỏ qua những lý thuyết thông thường.

Hãy chỉ đơn giản là làm những gì phù hợp với bản thân.


Hiểm họa từ sự áp đặt…

Có nhiều người tin rằng mình luôn đúng.

Họ dùng niềm tin của bản thân để cho rất nhiều người lời khuyên, rằng nếu làm như họ thì nhất định sẽ thành công.

Đó chính là sự áp đặt!

Họ không hiểu rằng không phải ai cũng phản ứng tích cực với cùng một phương án.

Trên thực tế hiếm có một phương pháp tài chính cá nhân nào phù hợp với tất cả mọi người.

  • Có người cho rằng nên trả nợ từ nhỏ đến lớn. Nhưng cũng có người thành công với việc trả hết các khoản nợ lớn trước.

  • Không có cách thức đầu tư nào luôn đúng. Có người thích đầu tư chỉ số. Nhưng có người lại chỉ thích tin tức.

  • Không có cách tiết kiệm nào là luôn đúng. Có người chấp nhận đi xe bus đi làm. Nhưng có người lại không thích và thay bằng bớt đi ăn ngoài.

  • Không có tài khoản tiết kiệm, tài khoản séc hay thẻ tín dụng nào là tốt nhất. Có rất nhiều lựa chọn phù hợp.

Đừng quá tập trung vào một phương pháp nào đó mà bạn cho là đúng hoặc người khác nói với bạn rằng nó đúng. Hãy cân nhắc tất cả các lựa chọn có liên quan, sẵn sàng thử nghiệm để chọn cho mình phương pháp phù hợp nhất với bản thân.
 

Quy tắc 50/20/30: Phương pháp quản lý tài chính cá nhân người trẻ nên biết

Bạn phải bắt đầu từ đâu?

Để mọi vấn đề trở nên dễ dàng nhất…

Hãy thử bắt đầu với phương pháp 50/20/30. Bạn sẽ làm quen được với việc phân bổ nguồn lực một cách hợp lý.

Với quy tắc 50/20/30, bạn sẽ biết cách phân chia thu nhập của mình theo một tỷ lệ nhất định.

Từ đó lên được bản kế hoạch chi tiêu của mình một cách khoa học, phù hợp với mục tiêu tiết kiệm của bản thân.


Quy tắc 50/20/30 hoạt động như thế nào?

Đúng như tên gọi, quy tắc này sẽ chia nhỏ thu nhập của bạn thành 3 phần chính…

…với tỷ lệ phần trăm tương ứng là 50%, 20%, 30%.

Cụ thể tương ứng với các mục như sau:

50% thu nhập – Các chi tiêu thiết yếu

Ngay sau khi nhận lương, hãy để riêng 50% cho các chi tiêu thiết yếu của bạn.

Chi phí thiết yếu là những khoản bạn bắt buộc phải bỏ ra hàng tháng bất kể bạn ở đâu, làm gì…

Các chi phí này có thể là chi phí thuê nhà, tiền ăn uống sinh hoạt, chi phí đi lại, xăng dầu, các hóa đơn tiện ích như điện, nước, internet…

Tất nhiên, bỏ ra 50% không có nghĩa bạn cần phải dùng hết 50% cho chi tiêu thiết yếu.

Hãy chi thế nào để tổng chi phí thiết yếu không vượt quá 50% mà bạn đã bỏ ra.

Tuy nhiên nếu chi tiêu thiết yếu đang lớn hơn 50% lương của bạn, hãy chủ động giảm thiểu một cách hợp lý.

Ví dụ: dùng phương tiện công cộng thay vì cá nhân; ăn ở nhà thay vì ăn ngoài…

Nếu vẫn không giảm xuống dưới 50% thì bạn buộc phải giảm ở các mục tiếp theo (thường nên giảm ở phần 30% cho chi tiêu cá nhân).


20% thu nhập – Mục tiêu tài chính

Sau khi đã dành 50% cho chi tiêu thiết yếu, tiếp theo…

…bạn hãy để ra 20% dành riêng cho các mục tiêu tài chính bao gồm tiết kiệm, trả nợ, quỹ dự phòng và đầu tư.

Phần 20% này khá quan trọng đối với khoảng thời gian sau này của bạn.

Bạn tiết kiệm được càng nhiều bao nhiêu thì sau này về hưu sẽ càng an nhàn bấy nhiêu.

Trả nợ sớm cũng sẽ giúp bạn sớm giảm nhẹ gánh nặng tài chính hơn.

Chưa kể, bạn còn có thể kiếm thêm tiền từ các khoản đầu tư chứng khoán, nhà đất…


30% thu nhập còn lại – Chi tiêu cá nhân

Cuối cùng, 30% phần lương còn lại của bạn sẽ để cho các khoản chi không thiết yếu, hay còn gọi là các khoản chi tiêu cá nhân.

Đây là khoản chi hoàn toàn linh hoạt, bạn có thể chi cho sở thích cá nhân của mình.

Đó có thể là các vật dụng hữu hình,…

…nhưng cũng hoàn toàn có thể là các dịch vụ giải trí, các chuyến du lịch…

Vì phạm vi của khoản chi này rất rộng nên nó chiếm phần trăm lớn hơn so với mục tiêu tài chính.

Cẩn thận!

Hãy chú ý kiểm soát đối với phần chi tiêu này.

Vì bạn rất dễ chi tiêu quá đà cho sở thích của bản thân. Cho nên hãy luôn đảm bảo mức chi tiêu của mình dưới 30% lương.

Con số càng nhỏ thì tương lai tài chính của bạn càng được đảm bảo trong tương lai.

Không phải ai cũng có thể áp dụng phương pháp này thành công trong mọi trường hợp.

Nhưng đây là một phương pháp đã được nghiên cứu và chứng minh tính hiệu quả bởi các chuyên gia.

Vì vậy chẳng có lý do gì để bạn không thử.

Nếu cảm thấy không phù hợp, bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh tỷ lệ sao cho phù hợp với bản thân mình nhất, dựa vào những ưu tiên về tài chính của mình.


Comments


bottom of page