Đây là sẽ là hướng dẫn đầy đủ và chi tiết nhất giúp bạn xác định và đánh giá lợi thế cạnh tranh bền vững của một doanh nghiệp. Và tôi sẽ chia sẻ với bạn những công thức đơn giản nhất giúp bạn dễ dàng trả lời những câu hỏi:
Doanh nghiệp mà bạn dự kiến đầu tư có tồn tại lợi thế cạnh tranh nào không?
Lợi thế đó có khả năng duy trì bền vững trong dài hạn hay không?
Khi đầu tư chứng khoán…
Lợi thế cạnh tranh bền vững chính là YẾU TỐ QUAN TRỌNG NHẤT quyết định đến khả năng thành công trong khoản đầu tư của bạn.
Thực tế, bạn có thấy lợi thế cạnh tranh chính là tài sản vô hình giúp những doanh nghiệp như VNM, MWG hay PNJ luôn đứng vững trước đối thủ và duy trì được tỷ suất lợi nhuận ở mức cao trong dài hạn…
…và cổ phiếu của những doanh nghiệp này cũng giúp nhà đầu tư nhận được những khoản lợi nhuận khổng lồ.
Chúng ta sẽ đi vào chi tiết ngay bây giờ.
Lợi thế cạnh tranh là gì?
Là những thứ mà doanh nghiệp đang có lợi thế hơn so với đối thủ. Lợi thế này có thể có được bằng việc tạo ra 1 giá trị lớn hơn, tốt hơn cho khách hàng; hoặc sản xuất và quảng cáo sản phẩm với một mức giá thấp hơn, trong khi vẫn giữ được lợi ích tương đương cho khách hàng.
Đây là 1 phần trong khái niệm được đưa ra bởi Giáo sư Michael Porter của ĐH Harvard và được dạy trong chương trình CFA (Chartered Financial Analysts).
Với triết lý đầu tư giá trị của Warren Buffett, ông định nghĩa lợi thế ngắn gọn hơn…
…là năng lực của doanh nghiệp có thể duy trì, củng cố lợi thế để bảo vệ khả năng sinh lợi dài hạn và thị phần của mình trước những đối thủ cạnh tranh.
Doanh nghiệp thành công luôn làm sản sinh ra những đối thủ cạnh tranh muốn giành lấy lợi nhuận và “miếng bánh béo bở” trong thị phần của mình.
Điều này xảy ra ở bất kỳ một ngành nghề nào.
Khi có 1 (hoặc 1 vài) doanh nghiệp chiếm lĩnh thị phần ở 1 lĩnh vực nào đó, họ sẽ giành được một mức tỷ suất lợi nhuận cao khi đang có ít sự cạnh tranh.
Và như 1 điều hiển nhiên, sẽ hấp dẫn những đối thủ cạnh tranh khác gia nhập thị trường. Những đối thủ mới sẽ là nguy cơ làm giảm biên lợi nhuận và thị phần của doanh nghiệp theo thời gian.
Kết quả là gì?
Chỉ có một số ít những doanh nghiệp còn lại.
Những doanh nghiệp này giành được phần lớn thị phần và duy trì khả năng gia tăng thị phần theo thời gian nhờ ưu thế cạnh tranh của mình trong ngành.
Với Warren Buffett, ông luôn coi lợi thế cạnh tranh là yếu tố bắt buộc phải có trong mỗi quyết định mua của mình.
Buffett luôn mua những doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh rất lớn bao quanh. Lợi thế này làm cho những đối thủ sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn để có thể giành được thị phần.
Nhưng trên hết…
Buffett luôn muốn đảm bảo rằng ban lãnh đạo của doanh nghiệp sẽ tiếp tục củng cố và làm cho lợi thế cạnh tranh đó ngành càng lớn mạnh và bền vững.
Trên thị trường chứng khoán, dù là Wall Street hay VN-Index, bạn sẽ ít khi được nghe những phân tích cụ thể về lợi thế cạnh tranh mà các doanh nghiệp đang có (hoặc không có).
Mọi người thường chỉ cập nhật kết quả kinh doanh hàng quý, hàng năm hoặc đưa ra quan điểm đầu tư dựa trên 1 vài yếu tố hỗ trợ (catalysts) sắp đến trong tương lai gần.
Trong khi, bí mật quan trọng nhất trong đầu tư là:
Chìa khóa trong đầu tư không phải là việc bạn đánh giá 1 ngành nghề sẽ ảnh hưởng đến xã hội (và thị trường) như thế nào, hay ngành nghề đó sẽ tăng trưởng như thế nào. Mà đó là, xác định xem lợi thế cạnh tranh mà 1 doanh nghiệp cụ thể đang có, và trên hết là lợi thế đó sẽ kéo dài được bao lâu. Những sản phẩm, dịch vụ với sự bảo vệ của lợi thế cạnh tranh bền vững sẽ đem đến những khoản lợi nhuận tuyệt vời cho nhà đầu tư. -Warren Buffett
Trước khi chia sẻ về cách để xác định lợi thế cạnh tranh, tôi muốn giới thiệu với bạn những loại lợi thế khác nhau mà doanh nghiệp có thể có.
Với việc hiểu rõ bản chất của lợi thế cạnh tranh, bạn sẽ dễ dàng nhận biết được 1 doanh nghiệp có tồn tại lợi thế cạnh tranh đó hay không.
Lợi thế cạnh tranh có những loại nào?
Tìm kiếm 1 doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh bền vững là công việc đòi hỏi 1 nửa khoa học và 1 nửa nghệ thuật.
Ngoài việc bạn cần xác định những chỉ số (mà tôi sẽ chia sẻ ở phần sau của bài viết) thì…
Ở góc độ “nghệ thuật”, bạn sẽ phải đặt mình vào vị trí của 1 khách hàng và tự hỏi xem: “Tại sao bạn lại chọn sản phẩm, dịch vụ đó thay vì 1 sản phẩm, dịch vụ của 1 công ty khác?”
Để trả lời câu hỏi này, bạn sẽ cần đánh giá lợi thế cạnh tranh dưới nhiều góc độ.
Về mặt lý thuyết, có rất nhiều loại lợi thế cạnh tranh mà bạn có thể tìm thấy, điển hình nhất là lý thuyết 5Fs (Mô hình 5 tác lực cạnh tranh)
Tuy nhiên, trong bài viết này tôi sẽ chia sẻ với bạn 5 loại lợi thế cạnh tranh dựa trên quan điểm của Warren Buffett (được ông nhắc đến trong Đại hội thường niên của Berkshire Hathaway) và bổ sung 1 số quan điểm dựa trên kinh nghiệm của bản thân tôi về thị trường Việt Nam với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số…
Chú ý:
Bạn có thể sẽ tìm thấy 1 doanh nghiệp sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh khác nhau. Đó chính là công thức thành công của những doanh nghiệp dẫn đầu.
Kết hợp càng nhiều lợi thế cạnh tranh sẽ giúp doanh nghiệp có được vị thế “không thể bị đánh bại”.
Lợi thế đầu tiên:
#1. Nhãn hàng và thương hiệu (Brand)
“They don’t buy the products, they buy brands” – George Bradt, EU Marketing Director of Coca Colas
Nghĩa là:
Khách hàng không mua sản phẩm, họ mua thương hiệu.
Ở thời điểm hiện tại, Apple đang là thương hiệu có giá trị nhất thế giới.
Nghiên cứu của Morgan Stanley năm 2017 cho thấy tỷ lệ khách hàng cũ quay lại của Apple với iPhone là 92%, so với mức 77% của Samsung.
Rất nhiều người mua Iphone chỉ vì cái “logo quả táo cắn dở” trên chiếc điện thoại này.
Trong 1 bài trả lời phỏng vấn trên CNBC, Warren Buffett có nói về điểm quan trọng trong quyết định định mua Apple của Berkshire Hathaway:
Apple có 1 thương hiệu với người dùng 1 cách cực mạnh mẽ và đặc biệt. Bạn bị “khóa chặt” rất rất rất mạnh, ít nhất là về mặt tâm lý và tinh thần, vào sản phẩm. Và iPhone thực sự là 1 sản phẩm có tính kết dính (sticky).
Tất nhiên là với Apple, họ có 1 hệ sinh thái đầy đủ với nhiều loại lợi thế cạnh tranh khác nhau giúp họ trở thành 1 thương hiệu số 1 và rất khó bị đánh bại, nhưng…
…không thể phủ nhận tầm quan trọng của thương hiệu trong môi trường cạnh tranh hiện tại.
Đó là lý do tại sao các nhãn hàng lớn trên thế giới như BMW, Mercedes, Samsung… vẫn luôn bỏ ra hàng trăm triệu Usd mỗi năm (hoặc hàng nghìn tỷ Vnđ với các nhãn hàng lớn ở Việt Nam) trong việc duy trì hình ảnh thương hiệu.
Một ví dụ điển hình khác là…
Rolex – Hãng đồng hồ số #1 thế giới.
Rolex đã xây dựng được 1 hình ảnh thương hiệu mạnh mẽ đến mức khách hàng sẵn sàng bỏ ra (tối thiểu) hàng chục nghìn Usd để sở hữu 1 chiếc đồng hồ của họ.
Trong khi đó, có rất nhiều hãng đồng hồ tầm trung khác “nhái” mẫu mã của Rolex và đem đến những tính năng y hệt (cụ thể, tính năng quan trọng nhất là… xem giờ), chỉ bán được với giá vài chục đến vài trăm Usd.
Để giữ vững được vị thế này, hơn 15 năm qua, Rolex luôn đứng đầu trong danh sách những hãng đồng hồ chi tiền lớn nhất cho quảng cáo (với ~ 50 – 70 triệu Usd mỗi năm).
Vậy việc chi tiền này có hợp lý không?
Chúng ta khó có thể biết được hiệu quả của chiến lược này đến đâu. Nhưng có 1 điều chắc chắn là…
Với việc duy trì được thương hiệu mạnh (như 1 lợi thế cạnh tranh bền vững), họ có thể đòi hỏi 1 mức thặng dư (premium) trong giá bán với khách hàng.
Đó là cái giá mà khách hàng phải trả cho 1 thứ tài sản vô hình: thương hiệu.
#2. Chi phí chuyển đổi (Switching costs)
Nếu bạn là chủ 1 doanh nghiệp, giả sử là chủ của 1 nhà hàng.
Bạn sẽ muốn khách hàng của bạn quay lại nhà hàng của bạn càng nhiều càng tốt. Lý tưởng nhất là quay lại mỗi ngày (rất tuyệt vời, phải không!?).
Và chắc chắn bạn sẽ đau lòng…
…nếu có 1 nhà hàng tương tự mở gần đấy. Khách hàng của bạn không quay lại nhà hàng của bạn nữa mà chuyển sang nhà hàng kia mỗi ngày.
“Giữ chân” khách hàng luôn là mục tiêu và mong muốn của bất kỳ 1 chủ doanh nghiệp nào.
Nhưng thực tế là hầu hết các ngành nghề đều không dễ để giữ chân khách hàng. Và bằng 1 cách nào đó, bạn với tư cách là chủ doanh nghiệp, phải tạo ra được những “rào cản” làm cho khách hàng khó có thể rời bỏ sản phẩm, dịch vụ của mình.
Nghĩa là…
Khách hàng sẽ phải chịu (chấp nhận chi trả) những chi phí hữu hình hoặc vô hình nào đó, để không sử dụng sản phẩm của bạn mà chuyển sang sử dụng 1 sản phẩm khác tương tự.
Lấy ví dụ với trường hợp iPhone của Apple.
Chi phí chuyển đổi vô hình mà bạn sẽ phải chấp nhận khi chuyển sang sử dụng 1 sản phẩm của thương hiệu khác (chẳng hạn Samsung) bao gồm:
Chi phí (tổn thất) trong việc mất kết nối với những thiết bị khác nằm trong hệ sinh thái của Apple như iCloud, iTunes, iPad, Macbook, iMusics…
Chi phí chuyển đổi dữ liệu (thời gian sử dụng càng lâu thì chi phí này càng tăng lên)
Chi phí thời gian để làm quen với hệ điều hành mới
Chi phí khác phát sinh khi không sử dụng được các tính năng có tính mạng lưới (network) từ rất nhiều bạn bè sử dụng iPhone khác.
Hàng loạt những chi phí vô hình được tạo ra để xây lên những rào cản khiến khách hàng sẽ gặp khó khăn trong việc rời bỏ thương hiệu.
Một buổi sáng nào đó khi bạn thức dậy…
Bạn có thể dễ dàng thay đổi nhà hàng mà bạn ăn sáng, vì thực tế là không có quá nhiều thứ để “ép” bạn phải ăn sáng mãi ở 1 vài nhà hàng.
Nhưng ngược lại.
Bạn sẽ không muốn thay đổi hệ thống phần mềm kế toán mà doanh nghiệp của bạn đã và đang sử dụng hơn 10 năm nay.
Trừ khi bạn cảm thấy hệ thống này cực kỳ tệ hại, còn nếu không bạn sẽ mất rất nhiều nguồn lực khi thay đổi hệ thống kế toán.
Bạn sẽ phải đầu tư rất nhiều thời gian và tiền bạc để triển khai hệ thống mới và…
…với niềm tin rằng, dữ liệu cũ sẽ dễ dàng chuyển đổi sang hệ thống mới (mà không mất mát hay phát sinh lỗi trọng yếu).
Đồng thời, hy vọng rằng nhân viên của bạn sẽ sớm làm quen với hệ thống mới và sớm đạt được tốc độ công việc như trước đây.
Sẽ là ác mộng nếu việc chuyển đổi không thành công…
Và đó chính là những gì mà những doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh (cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho bạn) mong muốn. Họ sẽ muốn bạn lo sợ từ những chi phí vô hình của việc chuyển đổi, và bị gắn chặt với họ, càng lâu càng tốt.
Hãy lấy 1 ví dụ khác…
Trong trường hợp này, switching costs của FPT Shop đối với khách hàng là gì, có đủ lớn không?
Nếu tôi có nhu cầu mua điện thoại mới thì việc tôi đến TGDĐ thay vì FPT Shop (như trước đây) là không có nhiều rào cản.
Thậm chí tôi có thể tiết kiệm thời gian hơn vì số lượng cửa hàng TGDĐ ở gần nhà tôi rất nhiều.
Mức giá bán điện thoại của cả 2 cũng không có quá nhiều khác biệt.
Thậm chí, với quy mô hệ thống cửa hàng lớn hơn và cấu trúc chi phí hiệu quả hơn, TGDĐ có thể chào bán cho tôi một mức giá thấp hơn, hoặc đem đến cho tôi những sản phẩm khuyến mại tặng kèm hấp dẫn hơn.
Để làm được điều này, TGDĐ phải tạo cho mình một cấu trúc chi phí hiệu quả và thấp hơn so với đối thủ (Cost advantages).
#3. Lợi thế về chi phí (Cost advantages)
Khi doanh nghiệp kinh doanh ở những lĩnh vực mà khách hàng rất khó để nhận biết được sự khác biệt về sản phẩm (đặc biệt là những ngành nghề thiên về hàng hóa thông thường như sắt, thép, dầu, cao su…) thì…
…doanh nghiệp nào có cấu trúc chi phí càng thấp, càng hiệu quả thì càng có lợi thế cạnh tranh lớn trong ngành.
Những yếu tố chính tạo nên lợi thế về chi phí bao gồm:
Công nghệ
Quy trình và mức độ tự động hóa
Năng suất
Chi phí nguồn lực
Vị trí địa lý
Ở đây bạn cần phải hiểu rằng…
Lợi thế về chi phí không có nghĩa là doanh nghiệp có thể chào bán cho khách hàng ở mức giá thấp nhất thị trường.
Mà điều quan trọng là, với cấu trúc chi phí thấp và hiệu quả hơn so với đối thủ, doanh nghiệp sẽ đẩy đối thủ của mình vào thế khó trong cuộc chiến cạnh tranh.
Cụ thể:
Đối thủ sẽ tốn kém nhiều tiền hơn để có thể cạnh tranh với bạn hoặc (chạy theo) bắt chước mô hình phát triển của bạn.
Ở trường hợp của MWG.
Khi quy mô được mở rộng như hiện tại, MWG sẽ tối ưu hơn việc quản lý hàng tồn kho và quy trình logistics, từ đó tiết kiệm được chi phí vận hành và có thể chuyển hóa thành những giá trị lớn hơn cho khách hàng.
Bạn có thể hiểu 1 cách đơn giản, chẳng hạn như:
Trong khu vực Hà Nội, TGDĐ có hơn 300 cửa hàng thì chỉ cần vận hành 1 kho hàng là đủ để cung ứng hàng hóa đến cửa hàng và khách hàng.
Giả sử, nếu TGDĐ chỉ có 20 cửa hàng ở Hà Nội thì cũng vẫn phải vận hành 1 kho hàng.
Chi phí vận hành trên mỗi đơn vị hàng hóa trong trường hợp đầu tiên sẽ thấp hơn rất nhiều so với trường hợp sau.
Khi đó, TGDĐ có thể dành nguồn lực để tối ưu hơn nữa quy trình logistics và giao hàng cho khách hàng sớm hơn (cụ thể, TGDĐ cam kết giao hàng trước 14h chiều).
Từ đó đem đến cho khách hàng 1 trải nghiệm tốt hơn.
Bạn cần 1 ví dụ khác?
Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 (NT2) hiện đang là nhà máy điện có công nghệ tua bin khí hỗn hợp thế hệ F. Đây là công nghệ tiên tiến nhất thế giới hiện tại (đối với nhiệt điện khí), và NT2 là nhà máy khí duy nhất ở Việt Nam sử dụng công nghệ này.
Công nghệ hiện đại giúp NT2 có hiệu suất rất cao và thân thiện với môi trường.
Chính thế, vào những thời điểm nguồn nguyên liệu khí khan hiếm và nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao (khu vực Nam Bộ, với nhu cầu điện năng lớn nhất cả nước)…
…thì NT2 luôn được ưu tiên sử dụng nguyên liệu khí để sản xuất tối đa công suất.
Đây là lợi thế mà không phải nhà máy điện nào cũng có thể có được.
Lấy 1 ví dụ khác nữa.
Theo bạn, lợi thế cạnh tranh của FPT là gì?
Hiện tại, mảng kinh doanh chủ lực của FPT là xuất khẩu phần mềm.
Đây là mảng kinh doanh mà nguồn nhân lực đóng vai trò cực kỳ quan trọng và chiếm phần lớn chi phí sản xuất.
Vậy bạn sẽ cần trả lời 2 câu hỏi chính:
Đối thủ của FPT là ai? Và…
FPT có lợi thế gì?
Vì xuất khẩu phần mềm, rõ ràng đối thủ của FPT là những nhà cung cấp phần mềm ở những thị trường mà FPT hướng đến, bao gồm: Mỹ, EU, Nhật Bản, Singapore…
Và lợi thế của FPT đến từ chi phí nhân sự IT ở Việt Nam đang rẻ hơn rất nhiều so với nhân sự ở những nước này.
Chưa kể đến việc FPT cũng chủ động được nguồn lực đầu vào thông qua đào tạo tại Đại học FPT. Đây là lợi thế để FPT có thể đào tạo và định hướng nhân sự ngay từ sớm, phù hợp với công việc và các dự án mà FPT đang triển khai.
Lợi thế này giúp FPT có thể đặt giá chào thầu thấp hơn và có nhiều cơ hội nhiều hơn để giành được các dự án.
Bottom line?
Nếu bạn muốn xác định xem doanh nghiệp mà bạn đang nghiên cứu có lợi thế về chi phí không… Hãy cố gắng xác định chi phí (tạo nên hoạt động cốt lõi) trên 1 đơn vị sản phẩm.
Doanh nghiệp có chi phí trên 1 đơn vị sản phẩm thấp nhất so với những doanh nghiệp khác trong ngành thì sẽ là dấu hiệu đầu tiên cho thấy doanh nghiệp đó có khả năng tồn tại lợi thế về chi phí.
Tuy nhiên, tôi muốn cảnh báo bạn rằng…
Với sự phát triển của công nghệ và tự động hóa, thì bạn nên rất cẩn trọng trong việc đánh giá lợi thế về chi phí.
Bởi đơn giản là đối thủ của bạn, với 1 công nghệ tốt hơn có thể giúp họ thay đổi cấu trúc chi phí. Những quy trình hoạt động được tối ưu và hiệu quả hơn.
Khi đó, lợi thế về chi phí của những doanh nghiệp dẫn đầu sẽ dần bị bào mòn… nếu không có sự thay đổi phù hợp.
Nhắc đến công nghệ, tôi muốn chia sẻ với bạn về 1 lợi thế cạnh tranh mới. Đây là lợi thế chưa được mô tả (1 cách đầy đủ và rõ ràng) trong lý thuyết 5 tác lực (5Fs).
#4. Hiệu ứng mạng lưới (Network effects)
Ở 1 doanh nghiệp truyền thống, bạn sẽ nghĩ về lợi thế cạnh tranh ở 2 góc độ:
Khả năng đàm phán với nhà cung cấp của bạn (bạn chi tiền)
Khả năng đàm phán với khách hàng (bạn nhận tiền)
Tuy nhiên, ở một số doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty công nghệ trong những năm gần đây, yếu tố mạng lưới (network) đem đến cho họ những lợi thế vô cùng lớn.
Vậy mạng lưới (network) có gì khác?
Một mạng lưới trong doanh nghiệp tồn tại là khi…
Sự kết nối không còn phân biệt là đối tác – doanh nghiệp (của bạn) – khách hàng.
Thay vào đó, sự tương tác theo mạng lưới sẽ là:
Bạn và người dùng (users)
Bạn và người trả tiền (customers)
Tương tác giữa người dùng với nhau
Điểm quan trọng ở đây là gì?
Khách hàng của bạn sẽ không chỉ tương tác (mua hàng) với bạn, mà họ sẽ còn tương tác với nhau.
Những ví dụ điển hình của mạng lưới?
Không khó để nhìn thấy. Đó là Facebook, Youtube…
Hay ở Việt Nam đó là Zalo, Zing, hay như Yeah1 (trước khi bị Youtube chấm dứt hợp đồng)… và 1 vài doanh nghiệp mà tôi sẽ chia sẻ ở dưới bài viết này.
Vậy lợi thế cạnh tranh đến từ hiệu ứng mạng lưới là thế nào?
Network effects sẽ được tạo ra khi mô hình kinh doanh của doanh nghiệp cho phép các người dùng (hoặc khách hàng) có thể tương tác, nói chuyện, kết nối với nhau.
GIÁ TRỊ sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp sẽ tăng lên khi số lượng người dùng (hoặc khách hàng) ngày càng tăng lên.
Sự tương tác trong mạng lưới càng lớn, càng chặt chẽ thì giá trị của network effects sẽ càng cao.
Hay nói cách khác, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ càng lớn.
Lấy ví dụ đơn giản khi bạn có 1 mạng máy tính, giá trị của kết nối sẽ là bao nhiêu?
Mỗi khách hàng của bạn sẽ sở hữu mạng lưới (network) riêng của chính họ khi sử dụng sản phẩm của bạn. Mỗi network đơn lẻ là tài sản vô hình thuộc sở hữu của khách hàng.
Và gần giống như Switching costs, khi network đó của khách hàng càng lớn lên, họ sẽ không muốn “đánh mất” nó.
Nghĩa là…
Nếu khách hàng rời bỏ bạn, họ sẽ mất đi mạng lưới mà họ đã xây dựng bấy lâu nay. Đó chính là switching costs của họ.
Thực lòng mà nói:
Tôi cực kỳ yêu thích loại lợi thế cạnh tranh này.
Hầu hết những doanh nghiệp lớn trên thế giới đều đang cố gắng chuyển đổi mô hình của mình theo cách xây dựng mạng lưới.
Với Facebook, có lẽ bạn sẽ dễ dàng hình dung nhất.
Hoặc với Apple, nhắc lại chia sẻ của Warren Buffett:
Apple có 1 thương hiệu với người dùng 1 cách cực mạnh mẽ và đặc biệt. Bạn bị “khóa chặt” rất rất rất mạnh, ít nhất là về mặt tâm lý và tinh thần, vào sản phẩm. Và iPhone thực sự là 1 sản phẩm có tính kết dính (sticky).
Nếu Apple chỉ đơn giản là bán cho bạn các thiết bị điện tử như điện thoại, máy nghe nhạc, laptop…
…thì lợi thế cạnh tranh của Apple sẽ không lớn như bây giờ.
Không quá khó để bạn nhìn thấy sự kết nối trong mạng lưới của Apple.
Đó là sự kết nối chéo giữa các thiết bị và sự kết nối của chính những người dùng thiết bị của Apple (đơn giản nhất là bạn có thể nhắn tin cho bạn bè cùng sử dụng iPhone, hoặc tạo nhóm chat thông qua iMessage).
Bạn sẽ không muốn mất tất cả mạng lưới mà bạn đang sở hữu khi sử dụng thiết bị của Apple.
Doanh nghiệp nào ở Việt Nam đang có
lợi thế cạnh tranh về hiệu ứng mạng lưới?
Với những doanh nghiệp đang niêm yết thì theo tôi thấy thì không nhiều doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh này. Tôi sẽ để bạn tự tìm hiểu và đánh giá theo quan điểm của chính bạn.
Còn trong bài viết này…
Tôi sẽ chia sẻ về 1 cổ phiếu mà theo GoValue, đang sở hữu lợi thế cạnh tranh network effect này rất mạnh mẽ (mặc dù không phải là công ty công nghệ).
Đó là VRE – Vincom Retail.
Đây là công ty con thuộc Vingroup, sở hữu và kinh doanh cho thuê mặt sàn tại các trung tâm thương mại (TTTM) như Vincom Plaza, Vincom Megamall, Vincom Center và Vincom+.
Network effect được tạo thành
trong trường hợp này như thế nào?
Tất nhiên chúng ta đều hiểu rằng VRE luôn có lợi thế khi sở hữu TTTM ở những vị trí đẹp nhất ở tất cả các đô thị ở Việt Nam.
Vì thế ở đây tôi sẽ chỉ phân tích về network effect…
Đầu tiên, người dùng (users) của VRE bao gồm các nhãn hàng (công ty bán lẻ tiêu dùng) và người tiêu dùng (khách ghé thăm TTTM).
Người trả tiền (khách hàng) chủ yếu của VRE là các nhãn hàng. Cụ thể: Họ phải trả tiền để thuê mặt bằng kinh doanh.
Và điều quan trọng nhất?
Người tiêu dùng và các nhãn hàng là tương tác quan trọng nhất trong mạng lưới. Cụ thể, người tiêu dùng đến TTTM để mua sắm và tiêu dùng sản phẩm của các nhãn hàng.
VRE khi đó sẽ là đơn vị cung cấp 1 “nền tảng” tốt nhất để 2 đối tượng kia tương tác với nhau.
Nhắc lại về network effect…
Giá trị của network effect mà VRE sở hữu sẽ tăng lên khi số lượng người dùng (hoặc khách hàng) ngày càng tăng lên.
Khi VRE đem đến những nhãn hàng tốt nhất, phù hợp nhất thì số lượng người đến TTTM sẽ tăng lên.
Đồng thời, khi số lượng người đến TTTM tăng lên thì các nhãn hàng tốt nhất sẽ muốn có 1 chỗ để kinh doanh ở TTTM.
Đây là vòng tuần hoàn 2 chiều, tạo nên 1 network effect mạnh mẽ.
VRE sẽ được hưởng lợi khi tỷ lệ lấp đầy tăng lên và có thể tăng được phí thuê mặt bằng.
Chưa kể đến giá trị TTTM là bất động sản cũng sẽ tăng lên rất nhiều lần khi giá trị network tăng lên.
Nói đúng hơn, giá trị tài sản vô hình được hình thành và tăng lên theo giá trị mạng lưới.
Nếu bạn nhận thấy 1 doanh nghiệp niêm yết nào đang có lợi thế cạnh tranh theo dạng network effects, hãy chia sẻ với tôi bằng cách comment ở dưới bài viết này nhé.
Loại lợi thế cạnh tranh cuối cùng, mà tôi cũng vừa nhắc đến, đó là…
#5. Tài sản vô hình (Intangible assets)
Đừng hiểu nhầm!
Đây không phải là khoản mục Tài sản vô hình được trình bày trên báo cáo tài chính.
Tài sản vô hình mà chúng ta bàn luận ở đây là những tài sản chưa được phản ánh trên báo cáo tài chính, nhưng có thể giúp doanh nghiệp có được lợi thế bền vững, dài hạn với đối thủ cạnh tranh khác trong ngành.
Những tài sản vô hình đó có rất nhiều loại, chẳng hạn:
Bằng phát minh sáng chế, sở hữu trí tuệ
Giấy phép đặc thù nào đó
Các chính sách, quyết định ưu đãi đặc biệt
Các yếu tố về bảo hộ hay độc quyền
Ví dụ với ACV – Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.
Đây là doanh nghiệp nhà nước (trực thuộc Bộ GTVT) đang sở hữu hầu hết các cảng hàng không tại Việt Nam.
Mặc dù mới đây, cảng Đà Nẵng và cảng Cam Ranh có sự đầu tư của tư nhân, nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề phức tạp đằng sau và sự bảo hộ cũng như tính chất độc quyền vẫn còn hiện hữu.
Ví dụ khác với VHC – CTCP Vĩnh Hoàn, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam. Trong đó, Mỹ là 1 trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của VHC.
Câu chuyện ở đây là…
Các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu cá tra sang Mỹ sẽ phải chịu thuế khá lớn, do trước đây bị điều tra bán phá giá.
Trong khi riêng VHC nhận được quyết định của Bộ Thương mại Mỹ về mức thuế 0$ thì những doanh nghiệp khác đều bị áp thuế từ 1.3 – 4$/kg.
Nghĩa là.
Quyết định này có thể coi là 1 tài sản vô hình tạo nên lợi thế cạnh tranh của VHC so với những đối thủ khác cũng xuất khẩu cá tra sang Mỹ.
Những tài sản vô hình này chính là những thứ bạn cần tìm kiếm ở doanh nghiệp khi quyết định đầu tư.
Đừng vội vàng đầu tư vào doanh nghiệp mà không có lợi thế cạnh tranh nào.
Bonus – Loại tài sản vô hình mà 99% nhà đầu tư ở Việt Nam chưa để ý đến
Nếu bạn đã từng kinh doanh trên nền tảng online thì…
…Xin chúc mừng bạn! Bạn có lẽ đã hiểu được loại tài sản vô hình (và là lợi thế cạnh tranh) mà tôi sẽ nói dưới đây.
Trước hết, công thức tính doanh thu mà bạn biết (và từng được học) là:
Doanh thu = Giá bán (P) x Số lượng sản phẩm bán được (Q)
Đúng chứ?
Tôi vẫn nhớ có lần tiếp các quỹ đầu tư, anh Tài – Chủ tịch HĐQT của MWG có nói rất rõ chiến lược mở mới cửa hàng của MWG là phải chọn những vị trí có tối thiểu 300 lượt người qua lại/phút.
Con số này chính là TRAFFIC – lưu lượng
…là số lượng người đi qua và “ghé thăm” doanh nghiệp của bạn. Đây chính là 1 tài sản vô hình của doanh nghiệp.
Đối với những doanh nghiệp có phát triển kênh online thì đó là traffic mà khách ghé thăm website mỗi tháng.
Cụ thể, công thức tính doanh thu tôi sẽ viết lại thành:
Doanh thu = Giá bán (P) x Tỷ lệ chuyển đổi khách hàng (Conversion rate)
x Lưu lượng (Traffic)
Giả sử, bạn và đối thủ có cùng 1 sản phẩm giống y nhau, mức giá như nhau và tất cả các vấn đề về chất lượng, chăm sóc khách hàng… đều như nhau.
Hay có thể giả định, tỷ lệ chuyển đổi thành khách hàng của bạn và đối thủ là y hệt nhau.
Khi đó, rõ ràng là nếu cửa hàng của bạn có lưu lượng người ghé thăm đông hơn thì bạn sẽ có lợi thế hơn đối thủ.
Ví dụ với PNJ:
Dưới đây là lưu lượng truy cập website của PNJ mỗi tháng:
Traffic Website của PNJ hiện tại mỗi tháng là gần 400k lượt, gấp hơn 5 lần so với những đối thủ khác.
Đây là 1 tài sản vô hình mà không chỉ đem lại nguồn doanh thu mới mà còn giúp PNJ xây dựng thương hiệu (brand) tốt hơn.
Cụ thể, số lượt tìm kiếm tên thương hiệu của PNJ vượt trội hơn hẳn so với đối thủ:
…và gia tăng được lợi thế về chi phí (chi phí bình quân trên mỗi sản phẩm giảm xuống).
Những đối thủ khác bắt buộc phải chi nhiều tiền hơn cho truyền thông, quảng cáo để thu hút lượng traffic thiếu hụt (tương đối) so với PNJ.
Nếu không?
Thị phần sẽ dần bị PNJ chiếm, cho đến 1 lúc lợi thế cạnh tranh của PNJ sẽ cực kỳ khó để phá vỡ.
Tôi tin rằng, lưu lượng (traffic) đang là 1 tài sản vô hình mà bạn cần chú ý đến khi đánh giá doanh nghiệp trong thời đại số hiện nay.
Đặc biệt là với những doanh nghiệp có yếu tố công nghệ và nền tảng online.
Bonus – Lợi thế cạnh tranh của Tiki
Không phải “bị điên” mà những nhà đầu tư liên tục “đốt tiền” vào Tiki.
Trong năm 2018, Tiki tiếp tục đốt hơn 1.200 tỷ và phần lớn trong số đó là để quảng cáo, truyền thông.
Mặc dù số đơn hàng bán được không đủ bù chi phí quảng cáo, nhưng thứ mà Tiki nhận được là rất nhiều lợi thế cạnh tranh.
Giá trị của lợi thế cạnh tranh dài hạn này được kỳ vọng sẽ giúp đem lại lợi nhuận khủng trong tương lai khi doanh nghiệp giành được phần lớn thị phần.
Vậy đâu là lợi thế cạnh tranh của Tiki?
Cụ thể…
Traffic: lưu lượng truy cập ngày càng tăng, kéo theo lượng người dùng ngày càng tăng
Brand: hình ảnh thương hiệu ngày càng tăng lên theo lượng người dùng
Cost advantages: số lượng đơn hàng tăng lên giúp chi phí bình quân trên 1 đơn hàng ngày càng giảm
Network effects: số lượng người dùng ngày càng tăng, cùng với sự hỗ trợ cho những nhà cung cấp khác (người bán khác) giúp sự tương tác trên nền tảng ngày càng tăng và chặt chẽ
Switching costs: ngày càng tăng lên đối với người dùng, đặc biệt là với những người bán. Khi số lượng khách hàng tiềm năng ngày càng tăng, họ sẽ rất khó để rời bỏ nền tảng của Tiki
Từ 2016 – T2/2019, tốc độ tăng traffic của Tiki đang xếp thứ 2 với 178% (đứng đầu là Shopee với mức tăng 759%).
Thị phần traffic của Tiki từ đó cũng tăng 2%…
Câu hỏi là: Lợi thế cạnh tranh của Tiki có bền vững trong dài hạn không?
Chúng ta sẽ chưa có câu trả lời chính xác…
Bởi vì, trong hiện tại cuộc chiến của những sàn TMĐT này vẫn chưa có hồi kết và nhà đầu tư vẫn không ngừng đổ tiền để những công ty này kéo traffic và giành thị phần.
Giống như Amazon hay Alibaba, sàn TMĐT nào xây dựng được network effects tốt nhất sẽ là kẻ chiến thắng cuối cùng.
Kẻ chiến thắng sẽ có tất cả trong cuộc chiến này.
Theo quan sát của tôi thì đến thời điểm hiện tại, Shopee đang là sàn TMĐT có sự hỗ trợ tốt nhất để gia tăng network effects. Đặc biệt là sự thu hút với những nhà cung cấp (người bán) vừa và nhỏ.
Tiki thì có 1 số rào cản nhất định đối với nhà cung cấp (ví dụ, phải có đăng ký kinh doanh thì mới được bán hàng trên Tiki), tuy nhiên điều này sẽ giúp chất lượng được đảm bảo hơn và 1 trải nghiệm khách hàng tốt hơn.
Từ đó, gia tăng lợi thế về Brand và Switching costs đối với khách hàng của Tiki.
Vì thế, cá nhân tôi nghĩ rằng Shopee và Tiki sẽ là 2 sàn TMĐT tồn tại đến cuối cùng và giành được phần lớn thị phần bán lẻ TMĐT. Tuy nhiên, cần phải tính đến khả năng những sàn TMĐT khác như Lazada được bơm tiền mạnh mẽ hơn thì vị thế của Tiki vẫn sẽ rất khó lường.
Nên nhớ rằng cách thức xây dựng lợi thế cạnh tranh của Tiki vs Lazada là tương tự nhau, còn Shopee phát triển theo 1 hướng khác.
Nhận biết lợi thế cạnh tranh: Những con số biết nói
Ngay bây giờ, bạn đã hiểu rằng lợi thế cạnh tranh bền vững, độc nhất sẽ đem lại cho doanh nghiệp 1 vị thế lớn về thị phần.
Vậy lợi thế này sẽ tác động đến kết quả kinh doanh như thế nào?
Đây chính là những dấu hiệu mà bạn có thể sử dụng để nhận biết lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.
Với mỗi ngành nghề, mỗi mô hình kinh doanh và mỗi loại lợi thế cạnh tranh, sẽ có những chỉ tiêu khác nhau để bạn có thể sử dụng như những dấu hiệu nhận biết.
Khi bạn am hiểu và hiểu biết ở 1 lĩnh vực nào đó, chính bạn sẽ đưa ra được những chỉ tiêu (dấu hiệu) phù hợp.
Và trong bài viết này tôi sẽ chỉ giới thiệu với bạn 3 chỉ tiêu CỰC KỲ ĐƠN GIẢN mà bạn có thể áp dụng.
Đó là:
Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và trên tài sản (ROA)
Biên lợi nhuận ròng (Net profit margin, NPM)
Bạn đang nghĩ: “3 chỉ số này thì ai mà chẳng biết!”?
Thực tế là…
Hầu hết các doanh nghiệp (truyền thống) đang niêm yết trên thị trường Việt Nam đều có thể sử dụng 2 chỉ số này để nhận biết dấu hiệu tồn tại của lợi thế cạnh tranh.
Tại sao?
Những lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ được thể hiện ở 2 khía cạnh chính:
Thị phần cao hơn: đem lại lượng đơn hàng nhiều hơn và doanh thu lớn hơn
Khả năng sinh lợi cao hơn: nhờ vị thế tốt hơn với đối tác và khách hàng
Đương nhiên là…
Những lợi thế này phải được phản ánh bằng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp so với đối thủ.
Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu và trên tài sản (ROE & ROA)
Điều chúng ta kỳ vọng là:
“Một doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh sẽ sử dụng tài sản & vốn hiệu quả hơn và đem đến 1 tỷ suất sinh lợi cao hơn so với đối thủ.”
ROE và ROA là 2 chỉ tiêu đơn giản nhất để đo lường khả năng sinh lợi của doanh nghiệp.
Nếu 1 doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh thì 2 chỉ tiêu này phải vượt trội hơn so với những doanh nghiệp khác trong ngành.
Ví dụ với lợi thế cạnh tranh của Vinamilk:
Nhìn vào số liệu so sánh dưới đây…
Số liệu chỉ ra rằng, biên lợi nhuận của VNM luôn vượt trội hơn rất nhiều so với những doanh nghiệp khác cùng ngành ở hiện tại và trong giai đoạn 5 năm gần nhất.
Giải thích cho điều này?
Với quy mô (scale) lớn nhất Việt Nam hiện tại, giúp VNM có lợi thế về chi phí. Theo đó, chi phí bình quân trên mỗi đơn vị sản phẩm thấp hơn những đối thủ khác…
…đem đến 1 biên lợi nhuận cao hơn.
Trong hơn 20 năm qua, Vinamilk luôn là doanh nghiệp chiếm lĩnh thị phần sữa Việt Nam với lợi thế cạnh tranh bền vững.
Với việc Coca-Cola và Masan nhảy vào thị trường sữa, liệu VNM có giữ được lợi thế cạnh tranh này không?
Còn quá sớm để có thể kết luận…
…nhưng điều mà chúng ta cần nhận thức rõ ràng, đó là:
Lợi thế cạnh tranh không phải là MÃI MÃI
Tìm kiếm một công ty có lợi thế cạnh tranh chỉ là MỘT NỬA câu chuyện.
Ở nửa còn lại, bạn phải đảm bảo được rằng, lợi thế cạnh tranh đó sẽ tiếp tục được duy trì, càng lâu càng tốt.
Cuộc chiến trong môi trường kinh doanh luôn luôn cực kỳ khốc liệt.
Khi bất kỳ 1 doanh nghiệp nào chiếm lĩnh thị trường ở 1 ngành nghề nào đó, hàng loạt công ty khác sẽ…
…làm việc bất kể ngày đêm với mục tiêu phá vỡ vị thế của doanh nghiệp dẫn đầu.
Ban lãnh đạo của mỗi doanh nghiệp đều phải nhận thức được điều này.
Nếu không kết cục sẽ vô cùng đau đớn.
Sự sụp đổ của đế chế Nokia
Có lẽ bạn và tôi không có gì xa lạ với thương hiệu Nokia.
Vào những năm từ 2000 – 2010, điện thoại Nokia chiếm lĩnh thị trường toàn cầu với sự tiện dụng và phù hợp với nhiều đối tượng người dùng.
Chiến lược phân khúc thị trường theo sở thích người dùng đã có 1 khoảng thời gian đầu thành công vì người dùng luôn có thể tìm ra chiếc điện thoại vừa ý họ, dù là cá nhân, doanh nghiệp hay người dùng cao cấp.
Tuy nhiên, việc phân khúc thị trường dần dần trở nên không rõ ràng khiến Nokia không có sự khác biệt đáng kể trong mắt người dùng.
Thương hiệu (brand) trở nên rất khó để định vị.
Cùng lúc đó, nỗ lực phát triển phần mềm riêng của đội ngũ sáng tạo vốn dĩ có thể giúp Nokia gia tăng switching costs (giống như cách Apple đã làm) lại không được Ban lãnh đạo phê duyệt.
Lợi thế về chi phí lại dần bị phá vỡ khi sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Samsung.
Kết cục?
Không còn lợi thế cạnh tranh nào, Nokia dần đánh mất mình. Năm 2014, Nokia bán mình cho Microsoft, 1 đế chế kết thúc.
Kodak – Thất bại từ sự bảo thủ
Xa hơn Nokia, cách đây hơn 30 năm, hãng Kodak có được lợi thế cạnh tranh vô cùng lớn ở Mỹ và trên toàn cầu, không khác gì mà Coca-Cola có được.
Thậm chí, mọi người còn có 1 nhận thức in sâu trong tâm trí về Kodak: “the yellow box” (ý nói cuộn phim chụp ảnh màu vàng của Kodak).
Cứ nói đến phim chụp ảnh, mọi người đều nghĩ ngay đến cuộn phim của Kodak.
Bất kỳ ai muốn chụp 1 tấm ảnh quan trọng nào đó, họ đều muốn sử dụng cuộn phim của Kodak vì “chất lượng số 1” luôn gắn liền với thương hiệu này.
Vào những năm 1980, Kodak chứng kiến ngày càng nhiều khách hàng của mình chuyển sang sử dụng máy ảnh kỹ thuật số. Tuy nhiên họ vẫn tin tưởng vào tương lai của máy chụp ảnh cơ (dùng cuộn phim) và giữ niềm tin vào thương hiệu “chất lượng số 1” của mình.
Điều gì đến cũng phải đến…
Năm 1984, Fujifilm giành được hợp đồng tài trợ chính thức cho Olympics tổ chức tại Los Angeles (đánh bại Kodak, nhà tài trợ thường xuyên của Olympics).
Lợi thế cạnh tranh về thương hiệu của Kodak bị giánh 1 đòn mạnh và dần bị bào mòn, khi người dùng đặt chất lượng của Fujifilm và Koda là như nhau.
Cùng với đó, Kodak bảo thủ với sản phẩm của mình và quá chậm trong việc tham gia vào thị trường máy ảnh kỹ thuật số.
Những nỗ lực muộn màng để kéo lại thị phần đòi hỏi Kodak phải đốt rất nhiều tiền đầu tư, mà chủ yếu là sử dụng nợ vay…
…đẩy Kodak đến bờ vực phá sản.
Giá cổ phiếu của Kodak năm 1997 ở mức 70$ nhưng chỉ còn được bán với giá 78 cent.
Bài học cho chúng ta?
Là nhà đầu tư, chúng ta cần phải hiểu rằng…
…bất kể lợi thế cạnh tranh hiện tại của doanh nghiệp lớn đến đâu, nó đều có thể bị phá vỡ nếu BLĐ doanh nghiệp không có những chiến lược đúng đắn để nới rộng lợi thế đó.
Bonus – Tại sao tôi không mua cổ phiếu Bất động sản
Ngoại trừ BĐS Khu công nghiệp và BĐS cho thuê mặt bằng Trung tâm thương mại (cụ thể, VRE – Vincom Retail), tôi thường bỏ qua những cổ phiếu BĐS khác, dù được hứa hẹn đem lại những khoản lợi nhuận rất lớn.
Tại sao?
Lý do lớn nhất là vì phạm vi hiểu biết có hạn.
Thú thật, tôi không có hiểu biết gì về những dự án mà những doanh nghiệp BĐS này đang triển khai.
Chính vì thế.
Tôi cũng không đánh giá được liệu những doanh nghiệp BĐS này có lợi thế cạnh tranh nào không? Và lợi thế đó có duy trì bền vững không?
Thực sự rất khó!
Giả sử, 1 công ty BĐS sở hữu một mảnh đất rất đẹp ở Quận 1 và giá trị thị trường chưa được ghi nhận đầy đủ trên Báo cáo tài chính (thường gọi là, cổ phiếu có tài sản ngầm).
Vậy đó có phải là lợi thế cạnh tranh bền vững không?
Để trả lời, bạn cần chú ý đến 2 vấn đề:
Lợi thế cạnh tranh: chỉ tồn tại mạnh mẽ nếu những đối thủ khác không có. Vậy có những công ty BĐS khác có đất đẹp ở Quận 1 không?
Bền vững: phụ thuộc rất nhiều vào việc công ty đó sẽ làm gì với miếng đất đó và chi phí vốn đầu tư mà công ty sẽ sử dụng như thế nào?
Cá nhân tôi nghĩ rằng, phần lớn những cổ phiếu BĐS đang niêm yết đều không có lợi thế cạnh tranh bền vững và…
…sẽ chỉ phù hợp nếu bạn muốn tìm kiếm lợi nhuận nhanh (“ăn sổi”) nhờ tận dụng dòng tiền từ đầu cơ.
Tất nhiên, nếu cổ phiếu đó nằm trong phạm vi năng lực của bạn thì chính bạn sẽ là người có nhận thức rõ ràng nhất về lợi thế cạnh tranh bền vững của nó.
Kết luận?
Bước đi đầu tiên của bạn trước khi mua bất kỳ 1 cổ phiếu nào là…
…xác định xem công ty đó có lợi thế cạnh tranh hay không và khả năng duy trì lợi thế đó đến đâu.
Theo thời gian, những doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh bền vững sẽ vượt qua được “giông bão” tốt hơn đối thủ, và gia tăng giá trị cho cổ đông.
Khi bạn đã tìm được những cổ phiếu có lợi thế cạnh tranh bền vững, hãy dành phần lớn thời gian để cập nhật về ngành nghề và những gì Ban lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện để bảo vệ và gia tăng lợi thế đó.
Hãy nhìn vào những chỉ số đơn giản như ROE, ROA hay NPM hàng năm như 1 dấu hiệu của lợi thế cạnh tranh.
Những chỉ số này đang tăng lên hay giảm đi, so sánh tương quan với ngành?
Tin tốt cho bạn là…
Hầu hết đám đông trên thị trường không chú tâm nhiều đến lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.
Thay vào đó, họ chỉ quan tâm nhiều hơn đến sự thay đổi trong kết quả kinh doanh hàng quý…
…ngắn hạn và đem đến nhiều tác động tiêu cực về tâm lý.
Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có sự biến động trong kết quả kinh doanh.
Việc kết quả 1 quý tăng hay giảm không như kỳ vọng là hết sức bình thường.
Điều quan trọng nhất là gì?
Lợi thế cạnh tranh bền vững sẽ là “đầu tàu” vững chắc đưa doanh nghiệp ngành càng tiến xa hơn.
Hiểu rõ lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trước khi ra quyết định đầu tư, chính là…
…sự khác biệt mà bạn tạo ra so với đám đông. Và chắc chắn sẽ đem lại cho bạn 1 lợi nhuận vượt trội trong dài hạn.
Nguồn: Khánh Phan FRM - GoValue
コメント