Tiết kiệm là bước đầu tiên trong quản lý tài chính cá nhân. Bởi vậy nên tiết kiệm đúng cách sẽ là nền tảng cho một quá trình xây dựng và hoàn thiện tài chính cá nhân thành công. Tuy nhiên việc tiết kiệm vốn không hề đơn giản. Không ít người đã phải bỏ rất nhiều công sức để tìm cho mình những phương pháp tiết kiệm hiệu quả.
Bạn còn phân vân không biết phải bắt đầu từ đâu? Hãy tham khảo bài viết để tìm cho mình một những cách tiết kiệm hữu ích và phù hợp với bạn.
Thay đổi các thói quen để giảm thiểu chi phí
Những thói quen xấu hàng ngày đang khiến tiền của bạn không cánh mà bay lúc nào không biết.
Nếu để ý một chút và thay đổi những thói quen này, bạn có thể tiết kiệm được một khoản không ngờ đấy!
Trước hết hãy bắt đầu xem xét các hóa đơn phải trả hàng tháng của bạn.
Cước phí điện thoại
Bạn có thể dùng gói điện thoại trả trước thay vì trả sau. Bởi việc dùng gói trả sau dễ khiến bạn khó kiểm soát thời lượng gọi trong khi sử dụng.
Bạn cũng nên tận dụng sự phát triển của internet hiện nay để giảm bớt chi phí khi dùng điện thoại di động.
Thay vì các cuộc gọi thông thường, bạn hoàn toàn có thể sử dụng các ứng dụng gọi miễn phí thịnh hành hiện nay như Zalo, Viber, Messenger, Skype,…
Rất tiện lợi mà lại đỡ tốn kém phải không nào?
Tiền điện nước
Mặc dù đây là chi phí cố định bạn phải trả mỗi tháng, nhưng nếu biết để ý thói quen sinh hoạt thì bạn sẽ tiết kiệm được kha khá đấy.
Đơn giản nhất là những việc như tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, sử dụng nước có chừng mực, rút các loại sạc khi không sử dụng.
Ngoài ra khi mua sắm các đồ dùng sử dụng điện bạn cũng nên so sánh điện năng tiêu thụ giữa các nhãn hiệu, lưu ý đến các sản phẩm tiết kiệm điện năng,…
Phí phòng tập gym, yoga…
Bạn có chắc là mình thường xuyên đến phòng tập?
Nếu như bạn đã mua vé tháng nhưng chỉ đến phòng tập 1 2 buổi mỗi tuần, hoặc thậm chí là ít hơn, thì bạn đừng tốn chi phí cho những nơi này nữa.
Giả sử bạn đang có nhu cầu tập luyện để có một thân hình hoàn hảo, thì việc chỉ đi tập 1 vài buổi như vậy vừa tốn thời gian mà chẳng đem lại hiệu quả.
Nếu bạn chỉ muốn tập luyện để nâng cao sức khỏe thì thay vì tốn kém vào các phòng tập, bạn hãy đi bộ, đạp xe hoặc chơi các môn thể thao nhẹ nhàng ở công viên hoặc xung quanh khu vực bạn sống.
Tuy nhiên, nếu bạn thật sự là người chăm chỉ và yêu thích tập gym, yoga thì có thể cân nhắc khoản này.
Hội phí các câu lạc bộ
Nếu bạn đang tham gia một vài câu lạc bộ nào đó và vẫn phải đóng một mức hội phí mỗi tháng, hãy dành chút thời gian để xem xét lại.
Bạn nên lọc ra những tổ chức, những câu lạc bộ mà bạn cảm thấy không quá quan trọng, không mang lại hiệu quả gì cho mình để cân nhắc việc ngừng tham gia.
Phí bảo dưỡng xe cộ
Ngoài những cái bất đắc dĩ bạn phải mang ra cửa hàng bảo dưỡng, bạn hoàn toàn có thể tự rửa xe của mình (trừ khi bạn đang ở chung cư).
Thay vì mang xe ra hàng rửa, bạn có thể tự rửa xe của mình vào một ngày rảnh rỗi cuối tuần nào đó.
Bạn cũng có thể nhờ đến sự giúp đỡ của người thân nếu không muốn làm một mình. Vừa vui vẻ lại tiết kiệm được một khoản rửa xe ở ngoài hàng.
Tiết kiệm từ những cái nhỏ nhất
Trong cuộc sống hàng ngày có những việc tưởng chừng như rất nhỏ nhưng ảnh hưởng lại không hề nhỏ chút nào.
Nếu biết cách tiết kiệm từ những cái nhỏ nhất thì tình hình tài chính của bạn sẽ cải thiện đáng kể.
Cụ thể là gì?
Tiết kiệm khi đi mua sắm
Đừng quên liệt kê những thứ cần mua trước khi đi mua sắm để tránh bị phân tâm khi mua hàng.
Khi định mua một sản phẩm, bạn cũng nên tìm hiểu về các chương trình khuyến mãi, giảm giá và so sánh giá giữa các cửa hàng cùng bán sản phẩm đó.
Nếu có thể hãy tạo các thẻ thành viên để được hưởng ưu đãi nhiều hơn.
Tiết kiệm trong ăn uống
Bạn hoàn toàn có thể tự nấu ăn ở nhà thay vì ăn uống ở ngoài, vừa tốn kém lại không đảm bảo vệ sinh.
Nếu bạn là nhân viên văn phòng, bạn có thể nấu sẵn cơm ở nhà và mang theo làm cơm trưa. Như vậy sẽ bớt đi một phần chi phí ăn trưa bên ngoài.
Ngoài ra những cuộc vui chơi ăn uống cùng bạn bè, công ty,… là khó tránh khỏi.
Nhưng, hãy biết giới hạn.
Chắc bạn cũng không muốn bỏ ra một nửa tháng lương chỉ để ăn một bữa sang chảnh, để rồi chi tiêu dè xẻn trong những ngày còn lại đúng không?
Hạn chế sử dụng các thẻ thanh toán
Bạn hãy thử không mang theo thẻ tín dụng một thời gian xem.
Thời gian đầu có thể bạn sẽ cảm thấy không thoải mái vì đã quen với việc thanh toán bằng thẻ lâu nay.
Nhưng dần dần bạn sẽ quen với việc “bị giới hạn” và sẽ không còn thói quen tiêu xài thoải mái với thẻ tín dụng nữa.
Tốt nhất bạn hãy tập sử dụng tiền mặt khi mua sắm, bạn sẽ kiểm soát được chi tiêu của mình hơn nhiều đấy.
Tiết kiệm trong đi lại
Có thể bạn đã quen với việc cứ ra khỏi cửa là phải đi bằng xe, dù chỉ là đi ra cửa hàng tiện lợi ở gần nhà.
Hãy tập với việc đi bộ khi chỉ di chuyển gần, vừa tiết kiệm xăng lại vừa rèn luyện sức khỏe.
Nếu có thể, bạn hãy thử làm quen với các phương tiện công cộng để tiết kiệm chi phí đi lại.
Tự động hóa thay vì tiết kiệm thủ công
Dù bạn có lên kế hoạch tiết kiệm cụ thể thế nào đi nữa thì vẫn sẽ có khi bạn mềm lòng và không tuân thủ kế hoạch của mình.
Con người có thể bị yếu tố cảm xúc và hoàn cảnh chi phối. Nhưng máy móc thì không.
Chính vì vậy để không bị mất kiểm soát trong tiết kiệm, hãy để máy móc giúp bạn.
Bạn có thể nhờ đến sự trợ giúp của ngân hàng hoặc các phần mềm, ứng dụng hỗ trợ, đề ra số tiền mình dự định sẽ tiết kiệm mỗi tháng.
Nhờ tự động hóa, mỗi tháng hệ thống sẽ tự trừ của bạn đúng số tiền đó và gửi vào tài khoản tiết kiệm.
Như vậy bạn sẽ không phải chủ động để ra một khoản mỗi tháng nữa, mà cũng không phải lo mình sẽ tiêu lẹm vào khoản tiết kiệm này.
Bỏ tiền vào đúng nơi phù hợp
Vẫn là câu chuyện tiết kiệm, nhưng bỏ tiền vào đâu mới đúng là tiết kiệm thông minh?
Bỏ heo đất? Gửi ngân hàng? Hay một nơi nào khác?
Việc bỏ heo đất với bạn có thể là an toàn nhất, nhưng tài khoản tiết kiệm của bạn sẽ chỉ đơn giản là “tiền để dành”.
Chúng chỉ đóng băng ở đó và chẳng mang lại lợi nhuận gì cho bạn.
Hay bạn muốn có thêm một chút lãi suất từ gửi ngân hàng?
Lựa chọn khá an toàn đấy, nhưng lãi ngân hàng cũng chẳng đáng là bao nhiêu.
Nếu bạn gửi tiền vào các tài khoản đầu tư, sẽ khá rủi ro nếu bạn chẳng có mấy kiến thức về tài chính.
Những người đầu tư tài chính, thành công cũng nhiều mà thua lỗ cũng không ít.
Vì vậy bạn cần xem xét kỹ khả năng tài chính của mình để bỏ tiền vào nơi phù hợp,…
…đảm bảo đủ 2 tiêu chí: an toàn và có lợi nhuận.
Nếu muốn tài khoản tiết kiệm của mình sinh nhiều lợi nhuận, bạn phải tìm hiểu thật kỹ trước khi đầu tư để hạn chế rủi ro nhiều nhất có thể.
Lời kết
Hiện nay có không ít các cách tiết kiệm tiền hiệu quả đã được kiểm chứng bởi rất nhiều người.
Tuy nhiên…
…các cách tiết kiệm đó có thực sự hiệu quả với bạn hay không, tất cả phụ thuộc vào bản thân bạn.
Đừng để tiền của mình liên tục lãng phí một cách vô ích.
Hãy bắt đầu ngay bằng việc thay đổi thói quen và để ý hơn trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày để sớm đạt mục tiêu tiết kiệm.
Nguồn: Hồ Mỹ Duyên - GoValue
Comments