top of page

Quỹ mở là gì? Kinh nghiệm đầu tư vào quỹ mở

Updated: Jun 27, 2023

Việc không có kinh nghiệm chuyên môn nhưng lại liên tục rót tiền vào thị trường chứng khoán với mong muốn kiếm lợi nhuận là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên.

Chính vì vậy, các quỹ đầu tư xuất hiện nhằm giúp nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là những nhà đầu tư không chuyên, tiết kiệm thời gian, hạn chế rủi ro và đảm bảo mức lợi nhuận ổn định.

Quỹ mở là gì?

Quỹ mở là một quỹ đầu tư tập thể, được góp vốn bởi nhiều nhà đầu tư có cùng mục tiêu đầu tư. Đây là một hình thức đầu tư gián tiếp.

Thay vì tự đầu tư chứng khoán, bạn sẽ đầu tư vào các quỹ mở, bằng việc mua các chứng chỉ quỹ (CCQ) do quỹ mở phát hành.


Đầu tư quỹ mở khác gì với việc bạn tự đầu tư?

Khi tự đầu tư, bạn muốn mua cổ phiếu A, B, C, và D thì bạn sẽ phải mua từng cổ phiếu đó. Chưa kể, với số vốn ít ỏi, bạn có thể còn chả mua đủ số cổ phiếu trên.

Nhưng đầu tư vào quỹ mở thì khác.

Bạn chỉ cần mua CCQ của quỹ sở hữu danh mục đầu tư vào những cổ phiếu trên là được.

Thậm chí, chỉ sở hữu 1 CCQ thôi, là bạn cũng đã sở hữu 1 danh mục các mã cổ phiếu (theo tỷ lệ) trên số vốn đầu tư của mình.

Định mức đầu tư vào quỹ mở tại Việt Nam khá thấp, chỉ cần số vốn tầm 2 – 3 triệu đồng.

Đây chính là sự tiện lợi khi đầu tư vào quỹ.

Chưa kể, với danh mục của quỹ, tỷ trọng các mã cổ phiếu đã được tối ưu, nhằm đạt mức lợi nhuận cao nhất nhưng với rủi ro là thấp nhất.

Còn nếu bạn tự đầu tư, thì tỷ trọng danh mục cổ phiếu thường sẽ là chia đều cho số vốn, hoặc nếu có phân bổ, thì cũng không được tối ưu. Hiệu quả đầu tư của bạn khi đó sẽ không cao.

Đầu tư vào quỹ mở như thế nào?

Đầu tư vào quỹ mở khá đơn giản.

  • Bước 1: Điền vào Đơn Đăng Ký. Đơn đăng ký được cung cấp tại các địa điểm phân phối và trên trang thông tin điện tử của quỹ mà bạn muốn đầu tư.

  • Bước 2: Bạn cung cấp CMND bản sao (mang theo bản chính để đối chiếu).

  • Bước 3: Chuyển tiền thanh toán số tiền mua CCQ từ tài khoản ngân hàng đứng tên của bạn.

Bạn sẽ mua CCQ theo giá trị tài sản ròng (NAV) hiện tại của quỹ.

NAV = (Giá trị thị trường – Nợ) / Số lượng CCQ lưu hành

Giá NAV có vai trò quan trọng trong việc đầu tư vào quỹ mở:

  • Chúng được sử dụng để xác định giá trị nắm giữ của bạn trong quỹ mở. Bằng số lượng CCQ nắm giữ nhân với giá một CCQ.

  • NAV là giá mà CCQ mới được mua hoặc mua lại.

NAV sẽ thay đổi hàng ngày, vì các quỹ thường xác định giá trị thị trường của tài sản của họ vào cuối ngày giao dịch.

Sự thay đổi giá NAV được công bố định kỳ trên trang web của quỹ.


Tôi thu lợi nhuận từ quỹ mở ra sao?

Giả sử, số vốn ban đầu của bạn là 600 triệu. Và bạn quyết định đầu tư vào 1 quỹ mở.

Giá NAV của quỹ hiện là 12.000 đồng/CCQ.

Như vậy, bạn sẽ sở hữu 600.000.000/12.000 = 50.000 CCQ

…Trên thực tế, khi thực hiện giao dịch mua hay bán CCQ, bạn sẽ phải chịu một khoản phí nhất định, giống như đầu tư cổ phiếu.

Nhưng mục đích của ví dụ này là giúp bạn có thể hiểu được cách thức tìm kiếm lợi nhuận từ quỹ mở, nên tôi sẽ giả sử các khoản phí giao dịch này bằng 0…

Sau nửa năm nắm giữ, giá NAV hiện giờ là 15.000 đồng/CCQ

Như vậy, lợi nhuận ước tính của bạn là: (15.000 – 12.000) x 50.000 = 150.000.000 đồng.

Lúc này, bạn có 3 sự lựa chọn:

  • #1: Chốt lời bằng việc bán toàn bộ, hoặc một phần trong số 50.000 CCQ của bạn với mức giá NAV 15.000 đồng/CCQ cho quỹ; hoặc

  • #2: Tiếp tục nắm giữ 50.000 CCQ trên; hoặc

  • #3: Gia tăng vốn đầu tư vào quỹ, bằng cách mua thêm CCQ với mức giá NAV 15.000đ hiện tại.

Cách thức có vẻ khá giống với việc đầu tư cổ phiếu. Đúng vậy!

Ngoại trừ việc, đầu tư cổ phiếu là đầu tư vào 1 cổ phiếu xác định, còn đầu tư quỹ mở là đầu tư vào 1 danh mục cổ phiếu đã được tối ưu.

 

Quỹ mở và Quỹ đóng khác nhau như thế nào?

Quỹ đóng là hình thức quỹ phát hành CCQ một lần duy nhất khi tiến hành huy động vốn.

Quỹ sẽ không thực hiện việc mua lại CCQ đầu tư khi nhà đầu tư có nhu cầu bán lại.

Do vậy, để tạo thanh khoản, sau khi kết thúc việc huy động vốn (hay đóng quỹ), CCQ quỹ đóng được niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Ở đây, tôi sẽ phân tích thêm về “Tính ổn định về vốn” của quỹ.

Đây vừa là ưu điểm, vừa là nhược điểm đối với quỹ mở.

Ưu điểm là việc bạn có thể bán CCQ để thu lời (hoặc tình huống xấu là cắt lỗ) bất kỳ lúc nào, do quỹ mở luôn phải duy trì một lượng tiền mặt.

Điều này khiến hình thức quỹ mở thu hút được nhiều người tham gia hơn là quỹ đóng.

Tuy nhiên, nhược điểm của hình thức này cũng đến từ Tính không ổn định về vốn. Đó là làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của quỹ mở.

Cụ thể:

Chiến lược đầu tư của quỹ là không thay đổi.

Nhưng với việc số vốn đầu tư luôn biến động, thì quỹ mở cần phải quản trị danh mục một cách hiệu quả nhất.

Hiệu quả ở đây có nghĩa là:

  • Lợi nhuận ổn định dài hạn

  • Thua lỗ thấp, ở mức chấp nhận được. Tránh tình trạng nhà đầu tư ồ ạt rút vốn, khi đó hậu quả sẽ khôn lường.

  • Đảm bảo thanh khoản cho CCQ của nhà đầu tư…

Như vậy, quản trị rủi ro của quỹ, theo tôi, còn quan trọng hơn là việc tìm kiếm lợi nhuận.

 

Danh sách các quỹ mở tại Việt Nam

Hiện nay trên thị trường, có khá nhiều quỹ mở được thành lập với mục tiêu và chiến lược đầu tư khác nhau.

Với chiến lược đầu tư khác nhau, tỷ suất lợi nhuận của các quỹ cũng sẽ khác nhau.

Ví dụ: Quỹ đầu tư trái phiếu VFF thì tỷ suất sinh lời khá ổn định. Trong khi quỹ cổ phiếu thì lợi nhuận sẽ chịu tác động từ thị trường.


Những tiêu chí đánh giá khi bạn gửi tiền vào quỹ mở

Với những nhà đầu tư không chuyên…

Quỹ đầu tư là sự lựa chọn tốt để tìm kiếm lợi nhuận mà vẫn đảm bảo an toàn, nếu bạn chọn đúng quỹ uy tín.

Vậy nên lựa chọn quỹ mở dựa trên những tiêu chí nào?

Dưới đây là 4 tiêu chí giúp bạn lựa chọn 1 quỹ mở phù hợp.

Chiến lược đầu tư

Chiến lược đầu tư là yếu tố quan trọng khi bạn tiến hành lựa chọn đầu tư vào quỹ.

Bạn có thể tìm thấy chiến lược đầu tư tại trang web của quỹ hoặc trong bản cáo bạch.

Tùy thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro, lợi nhuận kỳ vọng của bản thân mà bạn lựa chọn cho mình 1 quỹ mở phù hợp.

Ví dụ bạn là người không chịu được rủi ro, mong muốn khoản tiền đầu tư của mình sinh lời ổn định, nhưng vẫn cao hơn gửi lãi ngân hàng, thì các quỹ đầu tư trái phiếu có thể là sự lựa chọn phù hợp với bạn.


Mức phí đầu tư

Tất nhiên, việc mua chứng chỉ quỹ cũng giống như việc bạn mua cổ phiếu.

Do vậy, bạn cần xem xét các loại chi phí khi đầu tư vào 1 quỹ mở. Như phí mua CCQ, phí mua lại (bán) CCQ, phí quản lý tài khoản…

Trong đó, phí quản lý tài khoản của các quỹ thường dao động từ 1% – 2,2%/năm.

Hay phí mua lại CCQ, có quỹ sẽ miễn phí khi bạn nắm giữ CCQ trên 18 tháng. Nhưng cũng có quỹ thu phí từ 0,25% – 2,5% (tính trên giá trị bán) tùy thuộc vào thời gian bạn nắm giữ CCQ.

Những thông tin về các loại phí, bạn có thể tìm thấy trên website hoặc bản cáo bạch của quỹ.


Hiệu quả đầu tư trong dài hạn

Số liệu về hiệu quả đầu tư phản ánh năng lực của quỹ trong việc quản lý có hiệu quả tài sản, quản trị rủi ro tốt.

Tỷ lệ thua lỗ phải nằm trong giới hạn cho phép.

Nhiều nhà đầu tư chỉ quan tâm đến lợi nhuận, mà xem nhẹ sự cân bằng giữa rủi ro và lợi nhuận.

Đối với quỹ mở:

Điều then chốt là khả năng quản trị rủi ro tốt để giúp quỹ tồn tại và duy trì tỷ lệ tăng trưởng đều đặn

Việc quan sát lợi nhuận của quỹ trong dài hạn giúp bạn đánh giá:

  • Chiến lược và mục tiêu mà quỹ đề ra liệu có thực tế?

  • Việc quản trị rủi ro của quỹ có hiệu quả? Trong thời kỳ thị trường đi xuống, quỹ có thể “bảo vệ” được tiền của nhà đầu tư?

Bạn nên xem lịch sử về hiệu quả đầu tư của quỹ, ít nhất trong 3 – 5 năm.


Thông tin công khai, minh bạch

Tất nhiên, các thông tin trên: chiến lược đầu tư, hiệu quả đầu tư hay các loại chi phí…

…chúng cần được công bố công khai, minh bạch trên website của quỹ, hoặc qua email cho nhà đầu tư.


Bonus: Tự đầu tư chứng khoán theo các quỹ mở

Quỹ mở phù hợp với những nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi, muốn đầu tư dài hạn nhưng không có thời gian theo dõi sát thị trường.

Tuy nhiên nếu bạn vẫn muốn tự mình đầu tư thì vẫn có cách.

Đó là đầu tư “theo chân” các quỹ mở.


Comments


bottom of page